Thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Bến Tre

Phát huy cách làm sáng tạo

- Thứ Sáu, 25/06/2021, 08:29 - Chia sẻ
Từ thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn, Ủy ban Bầu cử tỉnh Bến Tre nhấn mạnh việc cần tiếp tục nghiên cứu, phát huy những cách làm sáng tạo đã mang lại hiệu quả thiết thực như: Tổ chức sinh hoạt về tiểu sử ứng cử viên ở Tổ nhân dân tự quản; xây dựng nội dung tuyên truyền về địa điểm bỏ phiếu, số đại biểu cần bầu cho từng cấp, tiểu sử tóm tắt của ứng cử viên theo từng cấp và hướng dẫn cách ghi phiếu trong 1 trang A4, gửi cho từng hộ dân theo khu vực bỏ phiếu trước ngày bầu cử để nghiên cứu...

Tổ chức sinh hoạt về tiểu sử ứng cử viên

Trong ngày hội toàn dân 23.5 vừa qua, với tinh thần trách nhiệm, cử tri Bến Tre đã bầu đủ 7/7 ĐBQH; 54/54 đại biểu HĐND cấp tỉnh, trong đó có 23 đại biểu tái cử (tỷ lệ 42,59%); 300/300 đại biểu HĐND cấp huyện, trong đó có 148 đại biểu tái cử (tỷ lệ 49,33%); bầu được 4.001/4.021 đại biểu HĐND cấp xã, trong đó có 2.388 đại biểu tái cử (tỷ lệ 59,69%). Có thể khẳng định, cuộc bầu cử trên địa bàn đã thành công tốt đẹp.

Góp phần vào thành công trên, không thể thiếu vai trò công tác tham gia chuẩn bị nhân sự. Theo Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBBC tỉnh Trần Ngọc Tam, công tác chuẩn bị nhân sự tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tiến hành theo đúng quy trình, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và tiến độ theo quy định. Quá trình hiệp thương, đã cân đối hợp lý cơ cấu kết hợp, cơ cấu định hướng thành phần ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp, chú ý bảo đảm tỷ lệ ứng cử là nữ, trẻ tuổi, ngoài Đảng, người có trình độ chuyên môn cao và đại diện cho các thành phần xã hội. Nhìn chung, chất lượng đại biểu được đánh giá cao, bảo đảm nhân sự được giới thiệu trúng cử đều có đủ năng lực, bản lĩnh, đủ tài, đủ đức để thực hiện tốt nhiệm vụ của người đại biểu dân cử.

Góp phần thành công của cuộc bầu cử, không thể thiếu vai trò quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp, UBBC tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp. Nhất là phát huy tối đa vai trò của công nghệ thông tin trong tuyên truyền, tuyên truyền trên nền tảng mạng xã hội, qua hệ thống thông tin truyền thông trực tuyến, truyền thanh lưu động trong Nhân dân… để gia tăng độ bao phủ thông tin, đi sâu vào địa bàn cơ sở, đến tận hộ gia đình và người dân. Qua đó, đã phát huy tối đa hiệu quả công tác tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân về bầu cử để cử tri tiếp cận đầy đủ thông tin, thực hiện đúng và tốt quyền, nghĩa vụ công dân của mình trong thực hiện việc bầu cử.

Diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, công tác bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện nghiêm túc, xuyên suốt và có hiệu quả cao. Đặc biệt, công tác y tế phòng chống dịch Covid-19 luôn được các ngành, các cấp chủ động thực hiện nghiêm túc, bảo đảm sức khỏe Nhân dân khi tham gia bầu cử.

Cử tri huyện Giồng Trôm, Bến Tre tham gia bỏ phiếu bầu cử trong Ngày hội toàn dân 23.5,2021

Ảnh: Ánh Nguyệt 

Thực hiện kỹ các khâu chuẩn bị nhân sự

Từ thực tế tổ chức, UBBC tỉnh Bến Tre đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Đó là, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND 3 cấp được tổ chức chung trong cùng một thời điểm nên khối lượng công việc cần triển khai thực hiện nhiều. Do vậy, công tác lãnh đạo cuộc bầu cử phải được cấp ủy các cấp tập trung cao, theo dõi, chỉ đạo sâu sát tất cả các hoạt động. Các chủ trương, ý kiến chỉ đạo của cấp trên phải được tiển khai đến cơ sở kịp thời, chính xác và thống nhất. Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát trên địa bàn tỉnh phải được quan tâm, tổ chức thực hiện tốt, bố trí thời điểm và phương pháp tiến hành khoa học, phù hợp với đặc điểm tình hình và điều kiện thực tế, nhằm kịp thời phát hiện các sai sót, hạn chế và kịp thời khắc phục, chấn chỉnh.

Từ thực tế trong công tác hiệp thương, giới thiệu người ra ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã ở một số ít địa phương còn lúng túng, chưa có sự chuẩn bị kỹ, sau hiệp thương lần thứ hai, thứ ba, một số cơ cấu về tỷ lệ nữ, tỷ lệ ngoài Đảng chưa bảo đảm... UBBC tỉnh nhận thấy, phải chú trọng thực hiện kỹ các khâu chuẩn bị nhân sự, có phương án dự phòng để không bị động. UBBC tỉnh cũng nhận thấy, cần nghiên cứu kỹ các văn bản quy định, hướng dẫn về bầu cử của Trung ương và địa phương để thực hiện đúng, không để xảy ra sai sót do nghiên cứu văn bản chưa sâu, chư đầy đủ và thiếu toàn diện. Như có trường hợp một số ứng cử viên đại biểu HĐND cấp xã không đủ tuổi ứng cử phát hiện sau khi công bố danh sách chính thức những người ứng cử…

Phó Chủ tịch UBBC tỉnh Trần Ngọc Tam nhấn mạnh, quá trình tổ chức bầu cử, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có nhiều sáng tạo trong phương pháp thực hiện như: Tổ chức sinh hoạt về tiểu sử ứng cử viên ở Tổ nhân dân tự quản; xây dựng nội dung tuyên truyền về địa điểm bỏ phiếu, số đại biểu cần bầu cho từng cấp, tiểu sử tóm tắt của ứng cử viên theo từng cấp và hướng dẫn cách ghi phiếu trong 1 trang A4, gửi cho từng hộ dân theo khu vực bỏ phiếu trước ngày bầu cử để nghiên cứu; chọn địa điểm bỏ phiếu ở công sở, nhà văn hóa, hạn chế chọn nhà dân chật hẹp… Qua đó, đã mang lại hiệu quả thiết thực, cần được tiếp tục nghiên cứu, phát huy ở các kỳ bầu cử tiếp theo.         

THÁI HÒA