Phát huy dân chủ trong công tác hiệp thương của Mặt trận

- Thứ Bảy, 06/02/2021, 08:28 - Chia sẻ
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất vào sáng 4.2, bắt đầu quy trình 5 bước hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Trong giai đoạn này, công tác hiệp thương của Mặt trận có ý nghĩa hết sức quan trọng. Do đó, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phát huy dân chủ trong công tác hiệp thương của Mặt trận các cấp để góp phần bảo đảm thành công của cuộc bầu cử.

Khối lượng công việc rất lớn

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, theo lịch trình các mốc thời gian và công việc phải triển khai để tổ chức thực hiện cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 (cuộc bầu cử - PV) có tổng số 56 đầu công việc, tính từ thời điểm bắt đầu là mốc công bố ngày bầu cử đến mốc cuối cùng khi Ban bầu cử đại biểu HĐND, Tổ bầu cử hết nhiệm vụ sau khi Ủy ban Bầu cử kết thúc việc tổng kết công tác bầu cử và công bố kết quả bầu cử đại biểu HĐND. Trách nhiệm của Mặt trận cũng gắn với 56 đầu việc này trong khoảng thời gian đã xác định là khối lượng công việc rất lớn.

Thuận lợi và tính chủ động của công tác bầu cử năm nay là Luật Bầu cử năm 2015 không sửa đổi, bổ sung như những lần bầu cử trước đây, do đó không có áp lực về những điểm mới. Bởi vậy, trên nền văn bản hướng dẫn cơ bản ổn định và kinh nghiệm của Hội đồng Bầu cử quốc gia trong tổ chức kỳ bầu cử trước, các văn bản hướng dẫn kỳ bầu cử lần này đã được các cơ quan, tổ chức có liên quan rà soát, cập nhật ở mức cao nhất để hoàn thiện, ban hành trên ba quan điểm: Thống nhất với văn bản của Đảng mới ban hành; bảo đảm tính phù hợp với quy định của pháp luật; khắc phục, giải quyết những hạn chế, tồn tại trước đây từ thực tiễn và tổng kết đặt ra.

Theo đánh giá của Ủy ban Trung ương MTTQ, MTTQ các cấp đã nắm chắc các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước về công tác bầu cử. Ban Thường trực Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành đầy đủ các Thông tri hướng dẫn rất cụ thể các Thông tư hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự; Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông về công tác tuyên truyền; Ủy ban Kiểm tra Trung ương về giải quyết khiếu nại, tố cáo; Thông tư Bộ Nội vụ hướng dẫn nghiệp vụ công tác bầu cử; Thông tư của Bộ Tài chính về việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bầu cử…

Theo quy định của pháp luật, MTTQ Việt Nam tham gia công tác chuẩn bị bầu cử với 6 nhiệm vụ chính, trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. Quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp được tiến hành theo 5 bước: Tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

Hội nghị trực tuyến tập huấn công tác bầu cử ĐBQH Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 do Ủy ban Trung ương MTTQ tổ chức  

Bảo đảm tiến độ

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV. Hiện nay, một số địa phương cũng đã tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất. Cùng với việc khẩn trương, chủ động chuẩn bị các nội dung liên quan để hoàn thành đúng tiến độ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, các địa phương cần hoàn thành hội nghị hiệp thương lần thứ hai trước ngày 19.3 và hoàn thành hội nghị hiệp thương lần thứ ba trước ngày 18.4. Chậm nhất là đến 17h00 ngày 14.3, người ứng cử phải hoàn thành việc nộp hồ sơ ứng cử. Việc tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, nơi công tác được diễn ra từ ngày 21.3 - 13.4. Chậm nhất là ngày 13.4 phải hoàn thành việc xác minh và trả lời các vụ việc cử tri nêu đối với người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Ngày 24.4 phải gửi danh sách người ứng cử tới Hội đồng Bầu cử quốc gia và ngày 28.4, Hội đồng Bầu cử quốc gia công bố danh sách chính thức ứng cử để ngày 23.5 tiến hành cuộc bầu cử trên toàn quốc.

Lưu ý một số nội dung cần quan tâm, tập trung trong công tác bầu cử, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị, các địa phương, tổ chức chính trị - xã hội cần hết sức chủ động, tham khảo, căn cứ vào quyền, trách nhiệm của cấp mình, tổ chức mình để triển khai bảo đảm đúng luật, tiến độ thời hạn, yêu cầu. Về công tác phối hợp, cần coi trọng sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam ở Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan; giữa Ủy ban MTTQ các cấp với Ủy ban Bầu cử, Thường trực HĐND, UBND và các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam cùng cấp. Đặc biệt là thời gian tiến hành hội nghị hiệp thương lần thứ nhất được thực hiện trước, hoặc ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày (ngày 17.2, tức mùng 6 Tết Nguyên đán là thời hạn cuối cùng). Do đó, cần phát huy cao nhất sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đề nghị, các địa phương quan tâm, tập trung phối hợp sớm, chặt chẽ, thường xuyên; chuẩn bị chu đáo và thực hiện tốt các bước quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử, bảo đảm về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử trên cơ sở dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND; trong quá trình thực hiện phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đi đôi với phát huy dân chủ trong công tác hiệp thương của Mặt trận.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc tham gia công tác bầu cử là nhiệm vụ trọng tâm số một của hệ thống MTTQ từ Trung ương đến địa phương. Trong khoảng thời gian cao điểm này, MTTQ các cấp vừa tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; vừa phải thực hiện kiểm tra, giám sát. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát hiện những việc làm chưa đúng quy định, hành vi vi phạm pháp luật, Ủy ban MTTQ các cấp phải thông tin, phản ánh, kiến nghị kịp thời đến các cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết, khắc phục ngay.

Nhật An