Phát huy đầy đủ, tích cực trách nhiệm của đại biểu dân cử

- Thứ Hai, 26/07/2021, 16:10 - Chia sẻ
Một trong những thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là các cơ cấu như tỷ lệ đại biểu là phụ nữ, trẻ tuổi, đại biểu là người dân tộc thiểu số… đều cơ bản bảo đảm. Đáng chú ý, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số đạt 17,84% - cao nhất trong 15 nhiệm kỳ Quốc hội.

Chỉ còn 2 dân tộc chưa có đại diện tham gia Quốc hội

Cụ thể, Quốc hội Khóa XV có 89/499 đại biểu là người dân tộc thiểu số. Trong đó, lần đầu tiên Quốc hội có đại diện của 2 dân tộc thiểu số rất ít người là Lự và Brâu. Đó là đại biểu Tao Văn Giót (Lai Châu), dân tộc Lự, sinh năm 1990, trình độ Đại học chuyên ngành trồng trọt; đại biểu Nàng Xô Vi (Kon Tum), dân tộc Brâu, sinh năm 1996, trình độ Đại học chuyên ngành sư phạm địa lý. Như vậy, trong tổng số 54 dân tộc, hiện nay chỉ còn 2 dân tộc là Ơ Đu và Ngái chưa có đại diện tham gia các khóa Quốc hội. 

	Các nữ tu giáo xứ Chân Thành đi bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 5, xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh - Nguồn: btgcp.gov.vn
Các nữ tu giáo xứ Chân Thành đi bỏ phiếu tại khu vực bỏ phiếu số 5, xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh
Nguồn: btgcp.gov.vn

Trong số 89 đại biểu Quốc hội Khóa XV là người dân tộc thiểu số, trẻ nhất là đại biểu Quàng Thị Nguyệt, dân tộc Khơ mú, 24 tuổi; cao tuổi nhất là đại biểu Trương Xuân Cừ, dân tộc Tày, 61 tuổi. Các địa phương có tỷ lệ đại biểu người dân tộc thiểu số trúng cử đại biểu Quốc hội cao gồm: Sơn La; Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hà Giang, Lai Châu, Bắc Kạn, Sóc Trăng, Đắk Lắk.

Tỷ lệ đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là người dân tộc thiểu số cũng chiếm tỷ lệ cao, trong đó cấp tỉnh là 17,09%, cấp huyện 18,23%, và cấp xã 20,55%.

Việt Nam có 54 dân tộc anh em chung sống lâu đời, trong đó có 53 dân tộc thiểu số, với hơn 14 triệu người (chiếm khoảng 14,7% dân số cả nước). Hiện nay 56/63 tỉnh, thành phố, 463 huyện và 5.453 xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống theo cộng đồng tại các thôn, buôn, bản, phum, sóc… Do vậy, việc đại diện các dân tộc thiểu số tham gia vào hệ thống chính trị các cấp nói chung và cơ quan dân cử nói riêng có vai trò và ý nghĩa quan trọng.

5 đại biểu Quốc hội là chức sắc tôn giáo 

Trong danh sách chính thức 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV có 5 chức sắc của các tổ chức tôn giáo. Đó là: Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) kiêm Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN thành phố Hà Nội, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh; Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng ban Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Điện Biên, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên; Thượng tọa Lý Đức, trụ trì Chùa Som Rong, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng; Linh mục Nguyễn Văn Riễn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Bình Dương, Chánh xứ Giáo xứ Thánh Giuse, Giáo phận Phú Cường, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương.

Số lượng đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số đã tăng theo các khóa. Nếu Khóa I (1946) đại biểu người dân tộc thiểu số chiếm 10,2% tổng số đại biểu Quốc hội; thì đến Khóa XIII, con số này đã tăng lên 15,6%, cao hơn tỷ lệ dân số dân tộc thiểu số; Khóa XIV là 17,3%, với 86 đại biểu thuộc 32 dân tộc khác nhau.

Sức mạnh đoàn kết các dân tộc, tôn giáo

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác bầu cử ngày 15.7, 1 trong 5 bài học kinh nghiệm từ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ nhấn mạnh là phát huy sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân, sức mạnh đoàn kết của các dân tộc và các tôn giáo, vai trò của các nhân sĩ, chức sắc tôn giáo, thành viên Mặt trận, người tiêu biểu các dân tộc; sự tin tưởng của nhân dân, ý thức trách nhiệm của công dân, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị. Đây là yếu tố then chốt và quyết định, bảo đảm cho thành công của cuộc bầu cử.

Kết quả bầu cử là thành quả bước đầu để chúng ta vững tin hơn trong xây dựng, củng cố nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hy vọng mỗi đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp cần làm tốt vai trò trung tâm trong hoạt động của cơ quan dân cử, phát huy đầy đủ, tích cực trách nhiệm của mình theo Hiến pháp và pháp luật, phải luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên hết và quyết tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Đồng thời, các đại biểu ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho bộ máy nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh”.

Anh Quân