Nhịp cầu

Phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi

- Thứ Năm, 03/06/2021, 06:34 - Chia sẻ
Tính đến ngày 31.3.2021, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 993 công trình thủy lợi; số công trình giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý thủy nông quản lý, vận hành là 95 công trình và 2 hồ chứa nước với tổng chiều dài tuyến kênh 451km, trong đó kiên cố 389km, còn lại 62km kênh đất chưa được kiên cố. Tổng số kênh mương được kiên cố hóa 77,46%, diện tích tưới vượt 30% so với mục tiêu quy hoạch thủy lợi.

Theo đánh giá, việc đầu tư các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đáp ứng nhu cầu cung cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân. Công tác bảo vệ, bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi, hồ chứa được quan tâm; việc lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí cấp bù thủy lợi phí cơ bản theo quy định. Các công trình thủy lợi đã góp phần giữ ổn định diện tích lúa 2 vụ, tăng tổng sản lượng lương thực có hạt đến hết năm 2020 đạt 221.800 tấn, tăng 50.000 tấn so với năm 2016.

Đơn cử trên địa bàn huyện Phong Thổ, giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác thủy lợi, các công trình được đầu tư trên địa bàn huyện cơ bản phát huy hiệu quả; kịp thời kiện toàn được ban chỉ đạo cấp xã; chú trọng nâng cấp, sửa chữa, khắc phục các công trình hư hỏng do thiên tai. Tính đến ngày 31.3.2021, trên địa bàn huyện có 184/186 công trình thủy lợi hoạt động tốt. Hay trên địa bàn huyện Tân Uyên, số công trình thủy lợi trên địa bàn đến ngày 31.3.2021 đang được vận hành và quản lý là 108 công trình. Nhìn chung, việc đầu tư một số công trình tương đối tốt; việc thành lập các ban quản lý ở xã, tổ quản lý ở thôn bản đầy đủ.

Giám sát việc đầu tư, quản lý các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 mới đây, bên cạnh ghi nhận những kết quả đạt được, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Lai Châu nhận thấy: Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân khai thác, nâng cao hiệu quả các công trình thủy lợi đã được đầu tư một số nơi còn hạn chế; việc sửa chữa, nâng cấp sau đầu tư chưa đồng bộ; công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Thủy lợi xã, Tổ Thủy lợi thôn, bản một số nơi còn hạn chế, lập kế hoạch chưa sát, thanh, quyết toán nguồn kinh phí còn chậm…

Thực tế trên cho thấy, để tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý các công trình thủy lợi trên địa bàn, phục vụ tốt hơn nhu cầu cung cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân, trước hết cần đánh giá hiện trạng các công trình thủy lợi trên toàn tỉnh để có phương án đầu tư, nâng cấp một số công trình đã đầu tư từ giai đoạn trước, từng bước đáp ứng nhu cầu thiết thực của các địa phương. Cần có sự phối hợp đồng bộ hơn trong việc quản lý, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi để nâng cao hiệu quả đầu tư, trong đó xem xét tích hợp hệ thống thủy lợi theo vùng để giao quản lý cho phù hợp; sớm đề xuất phân bổ kinh phí xây dựng bản đồ giải thửa nhằm thuận tiện trong quản lý, khai thác các công trình thủy lợi. Bên cạnh đó, tiếp tục vận động Nhân dân khai hoang những diện tích còn trống để phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi đã được đầu tư.

LÊ HÀ