Phát huy lợi thế Quỹ Bảo lãnh tín dụng

- Chủ Nhật, 22/08/2021, 06:00 - Chia sẻ
Để thu hút doanh nghiệp đến với Quỹ Bảo lãnh tín dụng, phát huy lợi thế của Quỹ đòi hỏi bộ máy hoạt động phải tích cực tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ, kịp thời với tổ chức tín dụng; tăng cường hướng về cơ sở, sâu sát với doanh nghiệp.

Điều 30, Nghị định số 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Khi doanh nghiệp (bên được bảo lãnh) không trả được nợ hoặc trả nợ không đầy đủ cho bên nhận bảo lãnh (tổ chức tín dụng), bên nhận bảo lãnh phải xác định rõ nguyên nhân không trả được và có trách nhiệm áp dụng các biện pháp thu nợ theo thỏa thuận tại Hợp đồng bảo lãnh tín dụng.

Thông tư số 57/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định: Quỹ bảo lãnh tín dụng nhận, trả nợ thay doanh nghiệp cho bên nhận bảo lãnh, tiếp tục thực hiện các biện pháp xử lý rủi ro. Như vậy, thực chất Quỹ Bảo lãnh tín dụng để tăng cường biện pháp bảo đảm cho các tổ chức tín dụng, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn thực hiện dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh; đồng thời, có thêm thời gian cho doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để trả nợ.

Nhiều khó khăn trong hoạt động

Hơn 3 năm qua, nhiều Quỹ Bảo lãnh tín dụng hoạt động rất khó, một số nơi không bảo lãnh được 1 doanh nghiệp nào, chỉ tập trung thu nợ và giải quyết tồn tại, có nơi còn giải thể. Nguyên nhân trước hết do điều kiện doanh nghiệp nhỏ và vừa được cấp bảo lãnh tín dụng khắt khe hơn doanh nghiệp vay trực tiếp tại tổ chức tín dụng ở chỗ: Được cấp bảo lãnh phải có tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu tham gia; dự án đầu tư, phương án sản xuất cần vay vốn phải có hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay (tức là việc trả gốc phải xác định từ dự án, phương án sản xuất kinh doanh). Trong khi đó, tổ chức tín dụng chỉ cần có khả năng tài chính để trả nợ (có thể từ nhiều nguồn khác nhau) và chỉ cần sử dụng vốn khả thi chứ không phải làm rõ hiệu quả của dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh.

Khoản 2, Điều 5, Thông tư số 45/2018/TT-NHNN Ngân hàng Nhà nước quy định: “Bên cho vay xem xét, thẩm định, quyết định cho vay… và tự chịu trách nhiệm cho vay của mình” nên các tổ chức tín dụng chưa tích cực phối hợp cho vay có bảo lãnh. Thực tế, doanh nghiệp có tài sản bảo đảm, tổ chức tín dụng sẵn sàng cho vay không cần bảo lãnh (vì trên địa bàn rất nhiều các tổ chức tín dụng đang phải giao chỉ tiêu tìm kiếm khách hàng).

Bên cạnh đó, Quỹ Bảo lãnh tín dụng phải tự chủ tài chính; nguồn thu chỉ từ lãi tiền (vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu) gửi ngân hàng và phí thẩm định, phí bảo lãnh (mức thu quá nhỏ, có nơi 500.000 đồng/hồ sơ thẩm định; 0,5%/năm phí bảo lãnh). Tổ chức tín dụng không thu được, Quỹ Bảo lãnh phải trả nợ thay (tức là chuyển khó khăn vướng mắc tới Quỹ). Trong khi đó, Quỹ phải bảo toàn và phát triển vốn (tức là doanh thu từ Quỹ vừa phải chi trả bộ máy, vừa phải trích lập dự phòng để xử lý rủi ro, bảo toàn vốn), nhưng vốn điều lệ giao nhiều nơi còn rất thấp, có nơi 30 tỷ đồng. Khi hết nguồn dự phòng xử lý rủi ro mới đề xuất UBND tỉnh xóa nợ lãi, gốc theo quy định rất chặt chẽ. Vì vậy, bộ máy hoạt động bảo lãnh không có động lực tích cực tìm kiếm khách hàng.

Hội thảo Giải pháp thực hiện nghị định 342018NĐ-CP của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Vĩnh Phúc

Thu hút doanh nghiệp đến với Quỹ 

Tháo gỡ khó khăn trong hoạt động, Quỹ Bảo lãnh tín dụng tỉnh Vĩnh Phúc xin chủ trương thực hiện theo hướng: Hợp tác với tổ chức tín dụng có nhiều lợi thế ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, thỏa thuận bảo lãnh với lãi suất cộng phí bảo lãnh bằng lãi suất doanh nghiệp vay không bảo lãnh; cấp bảo lãnh tín dụng với giá trị cho vay bằng 100% giá trị tài sản thế chấp. Quá hạn chưa trả được, Quỹ trả nợ thay để thực hiện các biện pháp thu hồi nợ. Đồng thời, cam kết vốn nhàn rỗi của Quỹ Đầu tư phát triển gửi tại các tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp vay bằng bảo lãnh. Phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hội doanh nghiệp cấp huyện và các phương tiện thông tin của tỉnh tuyên truyền, giới thiệu, hướng dẫn doanh nghiệp.

Sự linh hoạt giúp doanh nghiệp vay được nhiều vốn hơn, lãi suất và phí bảo lãnh không cao hơn; sẵn sàng gánh vác khó khăn, vướng mắc trong hoạt động bảo lãnh cho tổ chức tín dụng; tích cực vào cuộc, giới thiệu, chuyển doanh nghiệp nhỏ và vừa đến với Quỹ để hợp tác cho vay vốn bằng bảo lãnh. Tuy nhiên, kết quả gần 3 năm rất khiêm tốn: Năm 2018, cấp bảo lãnh không; tập trung thu nợ vay bắt buộc. Năm 2019, kêu gọi 15 doanh nghiệp, cấp bảo lãnh 12 lượt doanh nghiệp. Năm 2020, có 15 doanh nghiệp, cấp bảo lãnh 16 lượt doanh nghiệp. Từ đầu năm 2021 đến nay, 20 doanh nghiệp, cấp bảo lãnh 25 lượt doanh nghiệp và đã xuất hiện khách hàng khó khăn (do dịch Covid-19) phải cơ cấu lại và trả nợ thay.

Thực tế trên cho thấy, để thu hút doanh nghiệp đến với Quỹ Bảo lãnh tín dụng đòi hỏi bộ máy hoạt động phải tích cực tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ, kịp thời với tổ chức tín dụng; tăng cường hướng về cơ sở, sâu sát với doanh nghiệp. Mặt khác, quy định của tổ chức tín dụng và Quỹ Bảo lãnh tín dụng trong phối hợp hoạt động và thực hiện chức năng cần thông thoáng hơn, phân định rõ trách nhiệm trong hoạt động cho vay và cấp bảo lãnh để giảm tối đa thủ tục hành chính (hiện nay doanh nghiệp vay qua bảo lãnh phải làm 2 bộ hồ sơ, 2 đơn vị thẩm định,…); quy trình, cơ chế bảo lãnh tín dụng cũng cần hấp dẫn hơn.

Văn Đức Sơn, Giám Đốc Quỹ Đầu tư phát triển và Bảo lãnh tín dụng tỉnh Vĩnh Phúc