Phát huy vai trò bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong tình hình mới

- Thứ Ba, 28/12/2021, 06:34 - Chia sẻ
Ban Kinh tế Trung ương vừa tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012 - 2020. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố với sự tham dự của Thường trực các tỉnh, thành ủy, đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố cùng đại diện các sở, ngành, BHXH cấp tỉnh…

Công tác BHXH, BHYT đạt nhiều dấu ấn

Quyền lợi BHXH, BHYT luôn được ngành BHXH Việt Nam chú trọng, bảo đảm. Giai đoạn 2012 - 2020, đã giải quyết cho 1.310.893 người hưởng chế độ hưu trí, trợ cấp BHXH hàng tháng (đưa tổng số người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng lên khoảng 3,3 triệu người); 76.019.793 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; 5.862.067 lượt người hưởng trợ cấp thất nghiệp; thanh toán cho 1.365 triệu lượt khám, chữa bệnh BHYT.

 

Theo Báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, trong giai đoạn vừa qua, Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác BHXH, BHYT đã được triển khai đồng bộ, toàn diện và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức, quán triệt Nghị quyết số 21-NQ/TW; 100% cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương đã chỉ đạo tổ chức hội nghị quán triệt Nghị quyết cho cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên của tỉnh, các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã, xã, phường trên địa bàn. Nhiều tỉnh có số lượng đảng viên tham gia học tập quán triệt Nghị quyết đông như Yên Bái (100%), Tây Ninh (98,34%), Cà Mau (trên 95%), Thanh Hóa, Điện Biên (95%)...

Chính sách, pháp luật BHXH, BHYT từng bước được hoàn thiện đồng bộ hơn, hướng tới việc mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT (mở rộng BHXH bắt buộc, hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện, thực hiện BHYT hộ gia đình…); bảo đảm quyền lợi người tham gia hiệu quả hơn, bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng, hài hòa với tính chia sẻ, nhân văn.

Đặc biệt, về công tác tổ chức, thực hiện của ngành BHXH Việt Nam đạt được nhiều dấu ấn. Đến hết năm 2020, số người tham gia BHXH là 16,18 triệu người, đạt 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 5,62 triệu người so với năm 2012 (53,2%); trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện là 1,12 triệu người (tăng gần gấp 10 lần so với năm 2012, đạt 2,2% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức). Số người tham gia BHYT cũng tăng nhanh qua các năm, giai đoạn 2012 - 2020 tăng gần 29 triệu người; đến hết năm 2020 đã có khoảng 88 triệu người tham gia BHYT, đạt 90,97% dân số.

Trong bối cảnh số lượng người hưởng các chế độ chính sách ngày càng đông, khối lượng công việc ngày càng lớn, ngành BHXH Việt Nam đã áp dụng triệt để các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết; chuyển đổi từ phương thức quản lý thủ công sang quản lý dữ liệu điện tử; toàn bộ quy trình nghiệp vụ giải quyết chính sách đều được thực hiện trên phần mềm xét duyệt chính sách liên thông, chia sẻ dữ liệu với các phần mềm nghiệp vụ khác và cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành…

Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Tiếp tục hoàn thiện chính sách, nâng cao hiệu quả thực hiện

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, BHYT trong giai đoạn tới, tại hội nghị, nhiều tham luận, ý kiến đề xuất cũng đã được đưa ra hướng tới mục tiêu hoàn thiện chính sách, pháp luật, mở rộng diện bao phủ, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện…

Theo đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề xuất xây dựng chính sách BHXH theo hướng mở rộng hơn đối tượng tham gia. Cụ thể, bổ sung quy định tham gia BHXH bắt buộc với chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, với người lao động làm việc không trọn thời gian. Tăng tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện thông qua việc tăng mức hỗ trợ tham gia, bổ sung chế độ hưởng trợ cấp thai sản với BHXH tự nguyện…

Về chính sách BHYT, Bộ Y tế đề xuất, kiến nghị với Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để xây dựng, ban hành Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), bảo đảm tính khoa học, phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển.

Với vai trò cơ quan tổ chức thực hiện, BHXH Việt Nam đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục ban hành Nghị quyết để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong tình hình mới. Đề nghị Quốc hội tiếp tục thể chế hóa các quan điểm của Đảng, nghiên cứu, sửa đổi Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm và các luật liên quan phù hợp với thực tiễn. Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT theo lộ trình giai đoạn 2021 - 2025 cho từng tỉnh, thành phố…

Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân. Chính sách BHXH, BHYT ngày càng đi vào cuộc sống, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội bền vững; ổn định chính trị, an ninh quốc phòng; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền trên cả nước.

Trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước còn nhiều khó khăn, đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, công tác an sinh xã hội được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, trong đó, BHXH, BHYT là 2 chính sách lớn, giữ vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước. Từ đó, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác BHXH, BHYT.

Bích Thủy