Xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội

Phát huy vai trò chủ thể của người dân

- Chủ Nhật, 28/02/2021, 09:38 - Chia sẻ
Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao là nhiệm vụ chính trị quan trọng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm đã đạt được những kết quả quan trọng. Với quan điểm xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, Bát Tràng tiếp tục kiên định với mục tiêu củng cố, nâng cao về chất và bảo đảm tính bền vững của các tiêu chí. Trong đó, người dân vừa là chủ thể, động lực, vừa là nguồn lực sáng tạo trong xây dựng, tổ chức đời sống và thụ hưởng các thành quả xây dựng NTM.

Người dân trực tiếp tham gia bàn bạc, giám sát

Giai đoạn 2010 - 2020, với việc tập trung nguồn lưc xây dựng NTM, xã Bát Tràng đã nâng cấp, cải tạo 18 tuyến trục thôn, liên thôn hệ thống chiếu sáng được đầu tư; xây dựng mới 3 trường và trụ sở UBND xã. Một số tiêu chí xây dựng NTM đạt kết quả cao như: Đường ngõ xóm đều có điện chiếu sáng; 100% trường học 3 cấp đạt chuẩn quốc gia và có trường tiểu học đạt chuẩn mức độ 2; Trạm y tế xã đã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế. Toàn xã có 5 địa điểm sinh hoạt văn hóa phục vụ cộng đồng; 91,7% người dân tham gia BHYT; 100% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt chuẩn…

Bát Tràng là địa phương có hệ thống giao thông thuận lợi, thuận tiện cho sản xuất, kinh doanh gốm sứ gắn với phát triển du lịch. Những năm qua, thế mạnh này được gắn chặt với nhiệm vụ xây dựng NTM. Sau khi hoàn thành và được công nhận đạt chuẩn NTM vào đầu năm 2015, Bát Tràng đã tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Sau 6 năm thực hiện Bộ tiêu chí NTM nâng cao, xã đã đạt 13/19 tiêu chí xã NTM nâng cao và 6 tiêu chí cơ bản đạt; thu nhập bình quân năm 2020 đạt 66,7 triệu đồng/người/năm, tăng 30,1 triệu đồng so với năm 2015; cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư đồng bộ, diện mạo nông thôn có nhiều chuyển biến. Trưởng thôn 3 Phạm Đức Anh cho biết: Người dân được tiếp cận nhiều hơn với tiến bộ xã hội, cuộc sống đã thay đổi nhiều lần so với trước đây. "Những kết quả đã đạt được trong xây dựng NTM, NTM nâng cao, sẽ là tiền đề vũng chắc đem đến sự đổi thay ở quê hương gốm sứ", ông Anh chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND xã Phạm Huy Khôi, Chương trình xây dựng NTM nâng cao là chương trình tổng hợp trên các lĩnh vực chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Để thực hiện đạt kết quả tốt phải có quyết tâm chính trị cao; có kế hoạch chỉ đạo cụ thể, chủ động, sáng tạo, sâu sát, liên tục của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu. Qua đó, huy động cả hệ thống chính trị, sự quan tâm của toàn xã hội nhằm thúc đẩy thực hiện Chương trình. Xã đã làm tốt công tác tuyên truyền để cả hệ thống chính trị và Nhân dân nhận thức đúng, đầy đủ về xây dựng NTM nâng cao, nhất là việc người dân được xác định là chủ thể trực tiếp tham gia và thụ hưởng. Quá trình triển khai, xã luôn xác định rõ các phần việc đang nhận được sự quan tâm của người dân để tập trung thực hiện tốt. Từ đó, tạo niềm tin và khí thế phấn khởi, khơi dậy và phát huy được vai trò chủ thể của Nhân dân trong tiến trình hoàn thành từng tiêu chí.

Bên cạnh đó, việc huy động và sử dụng các nguồn lực trong xây dựng NTM luôn được xã xác định theo nguyên tắc dân chủ, người dân được tham gia bàn bạc, quyết định và giám sát để bảo đảm công khai, minh bạch. Nhấn mạnh xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, liên tục, không có điểm kết thúc, Chủ tịch UBND xã Phạm Huy Khôi cho biết: Xã không chủ quan, nóng vội, chạy theo thành tích mà tích cực, quyết liệt, vừa làm vừa rút kinh nghiệm hoàn thiện. Việc kịp thời khen thưởng, biểu dương những cá nhân, tổ chức tích cực tham gia, có những đóng góp thiết thực và tăng cường kiểm tra, giám sát để có chỉ đạo kịp thời... cũng là những giải pháp hiệu quả giúp xây dựng NTM, NTM nâng cao thực sự trở thành chương trình của người dân, vì cuộc sống của người dân nông thôn; là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của địa phương.

Bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống được xã Bát Tràng đặc biệt quan tâm  

Phát triển sản xuất gắn với bảo tồn làng nghề truyền thống

Những kết quả đạt được trong xây dựng NTM của xã Bát Tràng nói riêng, huyện Gia Lâm nói chung đã nhận được sự hài lòng cao của người dân. Quá trình xây dựng NTM, ngoài nâng cao chất lượng đời sống vùng nông thôn, việc bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống cũng được huyện Gia Lâm đặc biệt quan tâm.

Huyện đã xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020 để tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống, phát triển làng nghề theo định hướng xây dựng NTM gắn với quản lý môi trường và phát triển du lịch gắn với tái cấu trúc làng nghề. Qua đó, giúp các làng nghề truyền thống trên địa bàn thích nghi với hội nhập quốc tế; thúc đẩy quá trình đô thị hóa và tăng cường liên doanh, liên kết giữa các cơ sở; bảo đảm tăng trưởng ổn định, lâu dài và phát triển bền vững.

Cùng với làng nghề Vạn Phúc (Hà Đông), làng nghề Bát Tràng đã được UBND thành phố Hà Nội quy hoạch, đầu tư, bảo tồn phát triển kết hợp với du lịch. Từ tiền đề này, UBND huyện đã xây dựng, triển khai Kế hoạch phát triển du lịch Bát Tràng. Đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển làng văn hóa du lịch Bát Tràng gắn với phát triển sản phẩm OCOP; để các sản phẩm truyền thống, dịch vụ của Bát Tràng đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường và trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị.

Tại buổi thẩm định các xã đạt chuẩn NTM nâng cao mới đây, bên cạnh đánh giá cao kết quả huyện Gia Lâm đã đạt được, một số thành viên Đoàn Thẩm định của thành phố Hà Nôi cũng thẳng thắn đánh giá: Công tác triển khai Đề án Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch trên địa bàn do thành phố thực hiện còn chậm, dẫn đến đầu tư hạ tầng cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, việc phát huy giá trị của di sản văn hóa - lịch sử gắn với phát triển du lịch cũng chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của địa phương. Ngoài ra, công tác quản lý về môi trường trên một số nhiệm vụ hiệu quả chưa cao; nguồn lực đầu tư xây dựng NTM, NTM nâng cao tuy đã được tập trung song còn gặp nhiều khó khăn trong công tác xã hội hóa.

Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn, Bát Tràng là xã tự trừ điểm nhiều tiêu chí nhất trong số các đơn vị đã thẩm định. Tuy nhiên, Đoàn thẩm định của thành phố cũng ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của địa phương trong việc hướng đến nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Mặc dù Đề án Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch trên địa bàn của thành phố chậm triển khai, song chính quyền địa phương đã tập trung cao cho xây dựng NTM nâng cao và hoàn thành trước thời hạn.

Huyện Gia Lâm đang hướng đến kế hoạch lên quận. Vì vậy, việc xây dựng NTM gắn với các tiêu chí xã lên phường, huyện lên quận và thay đổi cơ cấu kinh tế trong ngành nông nghiệp trên địa bàn càng được quan tâm. Hy vọng rằng, khi Đề án Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch trên địa bàn của Hà Nội được triển khai, chương trình xây dựng NTM không chỉ riêng xã Bát Tràng mà toàn huyện Gia Lâm sẽ được tiếp thêm sức mạnh. Đây sẽ là nguồn động lực to lớn để các xã trên địa bàn sớm trở thành phường vào năm 2022, phấn đấu đạt kết quả cao trong xây dựng NTM kiểu mẫu.

HUYỀN LOAN