Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số Nghệ An

- Thứ Bảy, 31/07/2021, 07:22 - Chia sẻ
10 năm qua (2011 - 2021), tỉnh Nghệ An luôn dành sự quan tâm đặc biệt và triển khai thực hiện tốt các chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nhờ đó, đội ngũ này đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương... Tuy nhiên, để họ hoàn thành tốt hơn nữa trọng trách của mình, cần có sự quan tâm, chăm lo hơn nữa bằng nhiều giải pháp thiết thực.

Bài 1

Cầu nối giữa Đảng, chính quyền với đồng bào

Gương mẫu, đi đầu, tâm huyết, trách nhiệm với cộng đồng dân cư trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc… là những câu chuyện mà đồng bào DTTS trong tỉnh Nghệ An nói về đội ngũ người có uy tín. Hiện, 13.504 người có uy tín trên địa bàn đã và đang thể hiện tốt vai trò là “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với đồng bào dân tộc thiểu số.

	Người có uy tín luôn tiên phong tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước
Người có uy tín luôn tiên phong tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước

Gương mẫu, đi đầu

Hơn 10 năm đảm nhận vai trò Bí thư Chi bộ bản, ông Moong Biên Phòng - người có uy tín ở bản La Ngan (xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn) đã dành trọn tâm huyết tuyên truyền và vận động bà con Khơ Mú chăm chỉ lao động, sản xuất. Ông cũng là người tiên phong xóa bỏ những hủ tục, khuyến khích con cháu học hành, không để thất học, mù chữ... “Toàn bản nay có hơn 40 hộ tham gia khoanh nuôi, bảo vệ hơn 100ha rừng. Bình quân mỗi hộ có từ 3 - 5 con gia súc và trồng hơn 20ha cây lâm nghiệp. Mỗi năm có từ 5 - 10 hộ thoát được cái nghèo”, ông Phòng chia sẻ.

Cũng giống như ông Phòng, bà Hồ Thị Luật ở xã Nghĩa Tiến (thị xã Thái Hòa) được biết đến như một điển hình về tinh thần gương mẫu, đi đầu, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc Thổ nơi đây. Không chỉ nêu gương trong phát triển kinh tế, bà Luật còn vận động bà con đồng sức, đồng lòng xây dựng NTM. Chỉ tay về phía vườn bưởi, bà Luật cho biết: Nhờ chuyển đổi 2,5ha sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng bưởi hồng Quang Tiến và canh tác cao su nên đã cho thu nhập khoảng 90 triệu đồng/năm. 

Ở bản Na Cống (xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu), hàng chục năm nay, bà con vẫn quen gọi ông Trương Văn Thông là “nghệ nhân” của bản. Cách gọi đầy quý trọng ấy xuất phát từ việc người đàn ông này luôn nhiệt huyết, đam mê bảo tồn và truyền giá trị văn hóa dân tộc cho các thế hệ trẻ. Không chỉ vào dịp hội diễn, hễ có thời gian ông Thông lại tập hợp các cháu nhỏ để chỉ cách làm khèn bè và dạy hát nhuôn, xuối. “Giới trẻ nay có điện thoại, internet nên ban đầu học hát uể oải lắm nhưng dần dần các cháu cũng cảm nhận được vẻ đẹp văn hóa dân tộc mình”, ông Thông tâm sự.

Thực tế, ông Phòng, bà Luật hay ông Thông chỉ là 3 trong nhiều người uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS ở Nghệ An. Họ không chỉ là nhịp cầu nối quan trọng gắn kết ý Đảng và lòng dân, mà còn tiên phong dẫn dắt bà con vững tin đi theo Đảng, Nhà nước. Như đánh giá của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông, đội ngũ người có uy tín luôn là những người tiên phong tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Họ là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với đồng bào các DTTS vùng miền núi; là hạt nhân quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị chung của tỉnh.

Cánh tay đắc lực tại cơ sở

Giai đoạn 2011 - 2021, toàn tỉnh Nghệ An có 13.504 người uy tín, gồm: Già làng, trưởng bản, bí thư chi bộ, người sản xuất giỏi… đến từ 10 dân tộc, tộc người. Luôn phát huy tính gương mẫu, nói đi đôi với làm, đội ngũ người có uy tín trong đồng bào các DTTS ghi dấu ấn và sức ảnh hưởng ở nhiều lĩnh vực đời sống xã hội của địa phương. 

Không chỉ tiên phong trong tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, những người có uy tín còn được ví như “người hùng” trong các phong trào thi đua yêu nước, đi đầu trong xóa đói, giảm nghèo với việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, xây dựng thành công nhiều mô hình như: Phát triển du lịch cộng đồng; trồng dứa, trồng gừng, khoai dong riềng, mận tam hoa hiệu quả... Nhờ vậy, đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi Nghệ An giảm 3 - 4%/năm. Điển hình trong lĩnh vực này có các ông: Hồ Tồng Chùa (huyện Kỳ Sơn), Trương Văn Lai (huyện Nghĩa Đàn), Phẩy Văn Bay (huyện Con Cuông)…

Hay như trong phong trào xây dựng NTM, người có uy tín đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia hiến đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở. Nhờ vậy, diện mạo vùng DTTS và miền núi có những thay đổi căn bản. Đến năm 2020, có 121/252 xã; 570 thôn, bản và 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Gương sáng trong phong trào này có ông Lê Văn Xứng (huyện Nghĩa Đàn), bà Viêng Thị Hoành (huyện Tương Dương), ông Nguyễn Văn Thông (huyện Tân Kỳ)…

Bằng uy tín của mình, những người có uy tín trong cộng đồng không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn góp công lớn xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết dân tộc; giúp bà con nhận thức và hiểu được âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Điển hình trong lĩnh vực này có các ông: Lang Trọng Khâm (huyện Quỳ Châu), Đinh Xuân Kết (huyện Tân Kỳ), Và Chán Vờ (huyện Tương Dương)… Góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng DTTS và miền núi của tỉnh.

Đặc biệt, bằng những việc làm thiết thực, những “thủ lĩnh” này còn vận động bà con thực hiện nếp sống mới; loại bỏ những hủ tục, giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của từng dân tộc. Đội ngũ người uy tín còn góp sức bảo tồn, phát huy giá trị phi vật thể vùng miền DTTS và miền núi. Điển hình có các ông: Sầm Văn Bình, nghệ nhân (huyện Qùy Hợp), Trương Công Bình (huyện Tân Kỳ), Vi Tuyến Chung (huyện Thanh Chương)…

Diệp Anh