Tỉnh Bình Dương

Phát huy vai trò của trạm y tế lưu động trong điều trị Covid-19

- Thứ Ba, 19/10/2021, 14:14 - Chia sẻ
Chuyển từ “không Covid-19” sang “thích ứng an toàn”, Bình Dương xác định phải phát huy hơn nữa vai trò trạm y tế lưu động để đưa y tế đến gần người dân, công nhân nhằm giảm áp lực cho các cơ sở y tế.

Bao phủ dịch vụ y tế

Ngày 18.10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương sơ kết hoạt động đưa các trạm y tế lưu động đến gần dân, coi đây là một bước đột phá, phát huy hiệu quả phục vụ công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh, giúp họ tiếp cận y tế sớm, giảm tử vong, đặc biệt là chăm sóc F0 tại nhà, giảm gánh nặng cho ngành y tế...

Từ tháng 8.2021, tình hình dịch Covid-19 ở Bình Dương diễn biến phức tạp, có ngày hàng nghìn ca mắc nên các cơ sở thu dung quá tải. Lúc này, được Bộ Y tế đồng ý, Bình Dương đã xây dựng mô hình “Trạm y tế lưu động tại các khu dân cư” để điều trị F0 không triệu chứng tại nhà. Từ 1, 2 trạm hoạt động hiệu quả đã tăng lên 149 trạm y tế trong các khu dân cư.  

Trạm Y tế lưu động số 2 tại Cụm công nghiệp Phú Chánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương để hỗ trợ thu dung, điều trị Covid-19-19.
Trạm Y tế lưu động số 2 tại Cụm công nghiệp Phú Chánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương hỗ trợ thu dung, điều trị Covid-19

Đến nay, sau hơn 2 tháng đưa vào hoạt động, trạm y tế lưu động trong khu dân cư đã chứng tỏ hiệu quả trong việc phát hiện sớm, tham gia điều trị gần 16.500 bệnh nhân, thông qua việc hướng dẫn, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc, sơ cứu chuyển viện các trường hợp nặng... Nhờ sự chăm sóc kịp thời của các nhân viên y tế trạm y tế lưu động, gần 14.500 F0 điều trị tại nhà khỏi bệnh, hòa nhập cộng đồng. 

Ngoài ra, nhiệm vụ của các trạm y tế còn làm nhiệm vụ test xét nghiệm và tiêm ngừa vaccine 367.244 liều cho người dân địa phương.

Còn với trạm y tế lưu động trong khu, cụm công nghiệp cũng tham gia hỗ trợ doanh nghiệp xét nghiệm cho công nhân. Với những trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, thay vì để trong doanh nghiệp thì đã được đưa về trạm y tế lưu động trong khu công nghiệp chăm sóc, điều trị. Song song đó, nhân viên y tế còn hướng dẫn doanh nghiệp cách ly các trường hợp F1 tại nhà máy, khử khuẩn để tiếp tục "sáng đèn".

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Nguyễn Hồng Chương đánh giá, việc đưa các trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn là giải pháp đột phá, đạt hiệu quả cao, giúp người dân tiếp cận y tế ngay tại xã, phường, góp phần giảm gánh nặng cho các cơ sở điều trị Covid-19 tại tỉnh.

Qua đó, các trạm y tế hỗ trợ người nhiễm, người nghi nhiễm thông qua tư vấn từ xa đã giúp đối tượng cần hỗ trợ được tiếp cận với các thông tin chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ điều trị, chuyển tuyến, tiếp cận với dịch vụ y tế sớm, kịp thời, góp phần làm bệnh giảm diễn biến nặng và góp phần giảm các trường hợp tử vong.

Linh hoạt trong phòng, chống dịch

Trước diễn biến bệnh dịch phức tạp, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã chỉ các địa phương kiện toàn trạm y tế lưu động theo mật độ dân cư và khu cụm công nghiệp; huy động thêm các bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế tình nguyện; hợp đồng với các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố tăng cường phục vụ cho trạm y tế lưu động. Song song với đó, tỉnh cũng tổ chức đào tạo, tập huấn bổ sung nhân lực cho trạm y tế lưu động.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh, dịch bệnh có thể kéo dài nên phải kiện toàn, củng cố, nâng cao vai trò của Tổ Covid cộng đồng trong doanh nghiệp vì đây là “cánh tay nối dài” của trạm y tế lưu động. Các địa phương phải trưng dụng cơ sở vật chất để mở rộng trạm y tế lưu động, góp phần chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Ngoài việc triển khai các trạm y tế lưu động, tỉnh Bình Dương cũng yêu cầu các huyện, thị thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế.

Cụ thể, các huyện, thị xã, thành phố căn cứ hướng dẫn các tiêu chí, phương pháp đánh giá và xác định cấp độ dịch tại Quyết định 4800 của Bộ Y tế chỉ đạo UBND cấp xã xác định, đánh giá cấp độ dịch (cấp 1 - màu xanh, cấp 2 - màu vàng, cấp 3 - màu cam, cấp 4 - màu đỏ) đến tận khu phố, ấp, ngõ, hẻm; trên cơ sở đó đề ra các biện pháp hành chính tương ứng đảm bảo an toàn, linh hoạt, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình; đồng thời tăng cường đôn đốc, kiểm tra đến cấp cơ sở, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đáp ứng nhanh khi tình hình dịch bệnh thay đổi.

Bên cạnh đó, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện cập nhật các thông tin, dữ liệu phục vụ việc xác định cấp độ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đồng thời công bố, cập nhật cấp độ dịch tại các địa bàn và vùng cách ly y tế (phong tỏa) trên địa bàn tỉnh và các biện pháp áp dụng tương ứng trên Cổng thông tin Covid-19 và Bộ Y tế.

Tùng Dương