Phát triển kinh tế tập thể vùng miền núi:

Phát huy vai trò đầu tàu của kinh tế hợp tác xã

- Thứ Hai, 14/09/2020, 21:55 - Chia sẻ
Để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tại hội thảo phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong lĩnh vực nông nghiệp tổ chức tại Sơn La, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần tạo điều kiện cho Liên minh hợp tác xã Việt Nam chủ trì, cùng các địa phương xây dựng, trình Thủ tướng phê duyệt và triển khai Đề án "Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030", đồng thời cần triển khai các chính sách hỗ trợ hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở mức cao hơn vùng khác.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Chỗ dựa cho kinh tế miền núi

Hiện nay, trên thế giới có hơn 3 triệu hợp tác xã với 1,2 tỷ thành viên. Doanh thu hàng năm của tất cả các hợp tác xã trên thế giớt đạt 3.000 tỷ USD. Theo đó, Hợp tác xã đã tác động trực tiếp đến đời sống của ½ dân số và đóng góp 10% GDP toàn cầu.

Chính vì vậy, ngày nay kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã chính là loại hình kinh tế phổ biến ở các nước phát triển và đang phát triển, thu hút hầu hết hộ cá thể vùng nông thôn tham gia, phù hợp với phương thức kinh tế chia sẻ, bền vững, gắn với chuỗi giá trị.

Ở Việt Nam, vùng dân tộc thiểu số và miền núi có 11.558 hợp tác xã, chiếm 42,4% tổng số hợp tác xã của cả nước, 35 liên hiệp hợp tác xã, 61.471 tổ hợp tác; số hợp tác xã hoạt động hiệu quả đạt 53%. Hầu hết hợp tác xã trong vùng đã chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động theo Luật hợp tác xã năm 2012.

Các hợp tác xã thành lập từ năm 2013 đến nay đều mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ, chuyển biến tích cực về quy mô, năng lực quản tri. Cụ thể, cả nước hiện có 601 hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị, chiếm 30% số hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị của cả nước, thu hút 3,7 triệu thành viên, tạo 1,1 triệu việc làm, giảm nghèo, ổn định chính trị - xã hội.

Với quy mô trên, thời gian qua, kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có những đóng góp trong xây dựng nông thôn miền núi vùng dân tộc thiểu số và miền núi như tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động, thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao tay nghề cho thành viên và người lao động; tập trung ruộng đất do nhờ liên kết giữa các hợp tác xã, giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp để sản xuất gắn với chuỗi giá trị; góp phần phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, giữ gìn bản sắc dân tộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, từ đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Theo đó, kinh tế tập thể, hợp tác xã đã đưa kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng phát triển.

Kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn vùng dân tộc thiểu số
Kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn vùng dân tộc thiểu số.
Ảnh: Duy Thông

Tiếp tục tạo sức vươn lên cho kinh tế hợp tác xã

Mặc dù đạt được những kết quả rất to lớn trong việc đưa kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển, kinh tế tập thể, hợp tác xã thời gian qua vẫn còn những điểm “nghẽn” cần tháo gỡ. Cụ thể, do hiện nay công tác tổ chức, quản lý điều hành các hợp tác xã chưa bắt kịp những thay đổi của thị trường. Nguyên nhân này một phần là do kinh tế tập thể, hợp tác xã thiếu vốn nên việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật còn yếu kém, kéo theo đó là các hệ lụy năng lực tiếp cận thị trường của kinh tế tập thể, hợp tác xã còn yếu và hiệu quả hoạt động còn nhiều hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế sẵn có, dẫn đến thiếu chủ động liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Chính vì vậy, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã  Việt Nam cho rằng, các tỉnh, thành phố thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi cần quan tâm nghiên cứu dành thời lượng và nội dung đáng kể về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã phù hợp nghiên cứu thực tế và Kết luận của Bộ Chính trị số 70-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX vào Nghị quyết Đại hội trình Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Theo đó, kinh tế tập thể, hợp tác xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 cần tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt về bản chất của kinh tế tập thể, hợp tác xã, nhất là về hợp tác xã kiểu mới, cũng như tăng cường công tác đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cần phát triển mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó hợp tác xã là nòng cốt. Đồng thời cần đổi mới và hoàn thiện các chính sách và nội dung hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã phù hợp với từng giai đoạn và nhu cầu thực tế. Cùng với đó là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, vai trò Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các hiệp hội ngành hàng, vai trò nòng cốt của hệ thống Liên minh hợp tác xã Việt Nam, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương...

Với các giải pháp đồng bộ trên, mục tiêu cả nước phấn đấu đến năm 2025 thành lập mới 2.000 hợp tác xã. Trong đó có 200 hợp tác xã sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm; thu hút ít nhất 70% số hộ nông dân tham gia hợp tác xã. Đến năm 2030, cả thành lập mới 3.000 hợp tác xã, trong đó có thêm ít nhất 5 hợp tác xã có quy mô cấp tỉnh, 1 hợp tác xã có quy mô cấp quốc gia và khu vực do người dân tộc thiểu số làm chủ... sẽ là mục tiêu hiện thực và kinh tế tập thể, hợp tác xã sẽ tiếp tục là đầu tàu góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030...

Bảo Ngân