Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho địa phương

Phát huy vai trò động lực của địa phương

- Thứ Bảy, 23/10/2021, 06:14 - Chia sẻ
Thảo luận tại Tổ sáng qua, 22.10, về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế, cùng với đánh giá cao tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi, đoàn ĐBQH thành phố Hải Phòng nhận định: Các quy định được xây dựng tại dự thảo không chỉ phù hợp với đường lối, phương hướng, nhiệm vụ phát triển của các địa phương đã được nêu tại các nghị quyết của Bộ Chính trị mà sẽ giúp phát huy tốt nhất vai trò động lực phát triển của từng địa phương trong mối quan hệ tổng hòa với cả vùng và cả nước.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng phát biểu thảo luận tại Tổ
Ảnh: T. Nguyên

Hợp hiến, hợp pháp, khả thi

Dự thảo luận Tổ tại điểm cầu TP. Hải Phòng, các ĐBQH thành phố đã dành nhiều thời gian đóng góp ý kiến vào tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi của dự thảo nghị quyết. Theo các đại biểu, các cơ chế, chính sách đặc thù được đề xuất cho 4 địa phương đều được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng bảo đảm tương quan với các cơ chế, chính sách Quốc hội đã cho áp dụng tại một số thành phố lớn trước đây như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Cụ thể, theo dự thảo Chính phủ trình Quốc hội Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hải Phòng với 6 cơ chế chính sách, tỉnh Thừa Thiên Huế với 6 cơ chế chính sách, tỉnh Nghệ An 6 cơ chế chính sách và tỉnh Thanh Hóa 8 cơ chế, chính sách. Dự thảo quy định rõ về ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu từ tăng thu trên địa bàn các tỉnh, thành phố.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng nhấn mạnh: Dự thảo nghị quyết đã đề cập tới 6 nội dung rất quan trọng đối với sự phát triển của Hải Phòng, tạo thế chủ động và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của thành phố; huy động mọi nguồn lực phục vụ yêu cầu phát triển đột phá trong những năm tới. Theo đại biểu, các quy định về cơ chế, chính sách đặc thù về ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu từ tăng thu; thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí; quản lý đất đai và quản lý sử dụng rừng; quản lý quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức… đều phù hợp với thực tế; tháo gỡ được một số vướng mắc trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, đại biểu cũng mong muốn Quốc hội quan tâm hơn, bảo đảm có sự thông thoáng về cơ chế về tài chính - ngân sách để thành phố có được những nguồn lực cần thiết thực hiện thành công Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24.1.2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mong muốn sớm xây dựng Khu thương mại tự do tại Hải Phòng

Đại biểu Đỗ Mạnh Hiến cũng nhấn mạnh về sự cần thiết, vai trò của Khu thương mại tự do đối với sự phát triển của Hải Phòng. Nhấn mạnh đề xuất của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cũng như đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu tổng thể, kỹ lưỡng, xây dựng Đề án thành lập Khu thương mại tự do, bảo đảm tính định hướng, tính cụ thể, đủ nội hàm chính sách, song đại biểu cũng mong muốn Quốc hội chỉ đạo, giám sát, đẩy nhanh quá trình thực hiện nội dung này và mong muốn có thể thông qua ngay tại Kỳ họp thứ Ba tới.

Cùng chung kỳ vọng, đại biểu Lã Thanh Tân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố khẳng định: Các cơ chế, chính sách đặc thù dành cho TP. Hải Phòng nói riêng, các địa phương khác trong dự thảo Nghị quyết nói chung sẽ không chỉ vì sự phát triển của riêng địa phương mà còn phát huy tốt nhất vai trò động lực phát triển của từng địa phương trong mối quan hệ tổng hòa với cả vùng và cả nước. Đại biểu mong muốn Quốc hội chỉ đạo đẩy nhanh hơn quá trình nghiên cứu, sớm báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến về đề xuất xây dựng Khu thương mại tự do tại Hải Phòng, tạo điều kiện phát triển đột phá cho thành phố trong những năm tới, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của khu vực đồng bằng Bắc Bộ và đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của cả nước.

MẠNH TUÂN