Xây dựng nông thôn mới:

Phát huy vai trò kinh tế tập thể, hợp tác xã

- Chủ Nhật, 22/11/2020, 15:42 - Chia sẻ
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện với nhiều vùng miền nông thôn trên địa bàn cả nước ngày càng khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn. Hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục ở nhiều nơi được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới. Đời sống kinh tế nông thôn, nông dân phát triển. Cấu trúc lại cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tạo động lực không chỉ phát triển tại chỗ mà còn thúc đẩy các địa phương khác, vùng, ngành khác… kết quả này có sự đóng góp từ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Kinh tế tập thể phát triển góp phần nâng cao đời sống, bộ mặt của nông thôn
Kinh tế tập thể phát triển góp phần nâng cao đời sống, bộ mặt của nông thôn

Kinh tế tập thể nâng cao đời sống, bộ mặt của nông thôn

Tại buổi làm việc với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cho rằng: “Thời gian qua, kinh tế tập thể, hợp tác xã có những đổi mới hết sức quan trọng không chỉ trong phát triển kinh tế, mang lại lợi ích cho các thành viên tham gia, người nông dân, nâng cao đời sống, bộ mặt của nông thôn và người dân mà còn mang tính chính trị, xã hội, đưa những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân. Bên cạnh đó, xây dựng nông thôn mới đồng hành, phụ thuộc vào sự phát triển của kinh tế nông thôn, trong đó có vai trò quan trọng của kinh tế tập thể, hợp tác xã".

 Mặc dù những tháng đầu năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, dịch tả lợn châu Phi, nhưng cả nước vẫn có thêm 2.000 hợp tác xã, thu hút 7,2 triệu thành viên và 2,5 triệu lao động. Cả nước thành lập mới được 752 hợp tác xã, 10 liên hiệp hợp tác xã, 3.000 tổ hợp tác.

Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế bao gồm những cơ sở kinh tế do người lao động tự nguyện góp vốn, cùng kinh doanh, tự quản lý theo nguyên tắc tập trung, bình đẳng, cùng có lợi. Kinh tế tập thể mà nòng cốt là mô hình hợp tác xã không chỉ có ở Việt Nam mà còn có ở rất nhiều nước trên thế giới.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, địa phương nào có hợp tác xã phát triển mạnh, hoạt động hiệu quả thì ở đó đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Cụ thể như, huyện Thạch Thất nằm trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xác định hợp tác xã là nhân tố tích cực trong xây dựng nông thôn mới, huyện đã chỉ đạo các xã tập trung củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Theo đó, các hợp tác xã trên địa bàn huyện đã thực hiện tốt các khâu dịch vụ trong nông nghiệp, trong đó, một số hợp tác xã kinh doanh điện bán lẻ phục vụ nhân dân. Trong đó, nhiều hợp tác xã đã thực hiện tốt tiêu chí số 13 trong xây dựng nông thôn mới.

Chính vì những đóng góp hiệu quả của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong xây dựng các mục tiêu nông thôn mới nên trong giai đoạn 2021-2025, Liên minh hợp tác xã thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục củng cố, đổi mới, phát triển hợp tác xã bền vững; phấn đấu có tỷ trọng ngày càng cao trong nền kinh tế, góp phần tích cực vào việc tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và thực hiện xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, phát triển đa dạng hợp tác xã với nhiều hình thức phù hợp, dựa trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý, sản xuất kinh doanh theo hướng phát triển các sản phẩm dịch vụ có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chủ lực truyền thống, mang đặc trưng các địa phương gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa hiệu quả ngày càng cao.

Tiếp tục phát huy vai trò động lực của hợp tác xã

Việc xây dựng nông thôn mới đã thực sự là luồng gió mới, trở thành phong trào mạnh mẽ, rộng khắp trong cả nước, được hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia. Chính vì vậy, tại phiên họp đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thời gian qua, phương hướng, nhiệm vụ thực hiện đến hết năm 2020, định hướng giai đoạn 2021-2025, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, với sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng thuận, hưởng ứng, đóng góp tài sản, công sức của người dân, chúng ta đã hoàn thành các mục tiêu 5 năm (2016-2020) của Chương trình sớm hơn 2 năm so với kế hoạch được Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao.

Tiếp tục phát huy vai trò của hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới
Tiếp tục phát huy vai trò của hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới

Thời gian qua, phát triển đô thị có vai trò hỗ trợ nông thôn, công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân. Đô thị, công nghiệp, dịch vụ phát triển giúp tạo nhiều việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động, giảm lao động nông thôn, giảm nông dân thì sẽ tăng diện tích đất canh tác trên đầu người. Từ đó, người dân sẽ có cơ sở để phát triển sản xuất, cuộc sống. Đồng thời, phát triển công nghiệp sẽ giúp tăng nhanh nguồn thu, từ đó có điều kiện để đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Ở chiều ngược lại, phát triển nông nghiệp, các vùng sản xuất sẽ hỗ trợ cho phát triển công nghiệp, dịch vụ và lao động khu vực đô thị. Tuy nhiên, việc kết nối trong phát triển này chưa có hệ thống, chưa có chính sách cụ thể, nhiều nơi chỉ mang tính tự phát.

Bên cạnh đó, sự phân hóa giàu nghèo ở nông thôn còn cao. Đầu tư xã hội cho nông nghiệp hiệu quả không cao bằng các ngành khác, nên vốn đầu tư vào nông nghiệp còn nhỏ. Liên kết người nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã còn hạn chế. Quá trình xây dựng nông thôn mới chưa gắn kết với cơ cấu lại với nền kinh tế nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất.

"Không để phát triển nông thôn mới là hình thức, chỉ chú tâm các tiêu chí về điện, đường, trường, trạm... mà phải lấy phát triển kinh tế, thay đổi bộ mặt, đời sống nông thôn làm trung tâm. Trong đó phát huy vai trò động lực của hợp tác xã, doanh nghiệp về vốn đầu tư, phát triển lực lượng lao động, sản xuất và thị trường tiêu thụ", Phó Thủ tướng khẳng định.

Bảo Ngân