Hội nghị AIPA Caucus lần thứ 12:

Phát huy vai trò nghị viện phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch

- Thứ Sáu, 18/06/2021, 08:15 - Chia sẻ
Đại dịch Covid-19 bước đầu được kiểm soát tại một số khu vực trên thế giới nhưng tại Đông Nam Á, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội và an sinh xã hội các quốc gia. Diễn ra trong bối cảnh đó, Hội nghị Nhóm Tư vấn AIPA lần thứ 12 (AIPA Caucus 12) nhấn mạnh, cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của các nghị viện trong ứng phó hiệu quả với đại dịch, giảm thiểu tác động tiêu cực lên nền kinh tế và củng cố năng lực tự cường của ASEAN.

Bảo đảm chuỗi cung ứng không bị gián đoạn 

Đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng trên toàn cầu, làm đảo lộn cuộc sống và công việc của nhiều người, gây gián đoạn trong các chuỗi cung ứng, kết nối thương mại, cản trở phát triển kinh tế và tiến trình hội nhập khu vực. Vụ trưởng Vụ Giám sát hội nhập ASEAN, Ban Thư ký ASEAN Julia Tijaja cho biết, trong thập kỷ qua, ASEAN ngày càng hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực. Tuy nhiên, trước những cú sốc bên ngoài như đại dịch Covid-19, sự gián đoạn do thảm họa biến đổi khí hậu gây ra, áp lực lên hệ thống thương mại đa phương và tác động của công nghệ kỹ thuật số đối với thương mại, chuỗi cung ứng và kết nối thương mại của ASEAN bị ảnh hưởng khá nặng nề. Năm 2020, thương mại hàng hóa của ASEAN sụt giảm 5,5% xuống còn 2.700 tỷ USD, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN cũng giảm 24,5% xuống còn 137,3 tỷ USD. Thêm vào đó, nền kinh tế ASEAN ước tính thu hẹp 3,3% trong năm 2020.

ASEAN đã sớm nhận thức tầm quan trọng của việc duy trì hoạt động thương mại nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực về kinh tế từ đại dịch và đưa ra nhiều sáng kiến về tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, đẩy mạnh kết nối thương mại như: Khẳng định cam kết luôn mở cửa thị trường cho thương mại và đầu tư; ký biên bản ghi nhớ về thực thi các biện pháp phi thuế quan đối với hàng hóa thiết yếu; triển khai các sáng kiến thúc đẩy thương mại như Kho lưu trữ thương mại ASEAN, Cơ chế Một cửa ASEAN, Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN, Hệ thống Tự chứng nhận toàn diện ASEAN, Công cụ Tìm biểu thuế ASEAN… ASEAN cũng lên kế hoạch tiếp tục đánh giá, cập nhật Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định ASEAN về Thương mại Điện tử, Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN và các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) hiện có. Hơn nữa, ASEAN sẽ chú ý phát triển Cơ sở dữ liệu ASEAN về các tuyến đường và khuôn khổ thương mại nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.

Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân nêu rõ, các Nghị viện thành viên AIPA đóng vai trò chủ chốt trong thực hiện các công cụ hiện có và giảm thiểu rủi ro bằng các cải cách lập pháp cần thiết, tăng trách nhiệm giải trình thông qua giám sát các chính sách của Chính phủ liên quan đến phục hồi kinh tế. Trong quá trình này, các nước thành viên ASEAN và các Nghị viện thành viên AIPA cần hợp tác chặt chẽ và thực hiện các biện pháp bổ sung để giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà ký thông qua Báo cáo Hội nghị AIPA Caucus lần thứ 12

Ảnh: Thanh Chi 

Tăng cường giám sát nghị viện 

Trong hơn một năm qua kể từ khi Covid-19 bùng phát và lan rộng toàn cầu, các nước thành viên ASEAN đã thể hiện sự đoàn kết, bền bỉ và ý chí mạnh mẽ trong cuộc chiến chống đại dịch, vượt qua những thách thức, trở ngại để xây dựng và củng cố các quốc gia với các sáng kiến và hành động của AIPA. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc cần làm nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại và phát triển kinh tế trong khu vực. Chủ tịch AIPA Caucus 12, Chủ tịch Quốc hội Singapore kêu gọi, các nghị sĩ AIPA cần nỗ lực cao nhất nhằm bảo đảm dòng chảy liên tục của hàng hóa, bảo đảm nguồn cung đối với mặt hàng thiết yếu và duy trì kết nối thương mại trong khu vực bền vững. Điều này sẽ giúp người dân ASEAN trở nên mạnh mẽ và đoàn kết hơn.

Nhằm góp phần tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và đẩy mạnh kết nối thương mại, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng cho rằng, các Nghị viện thành viên AIPA cần tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết về đầu tư và thương mại trong khuôn khổ khu vực và quốc tế, coi đây là công cụ chủ yếu để thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng hơn trong Cộng đồng ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác khác.

Các nước trong khu vực cần thiết lập các phương thức mới trong thúc đẩy quan hệ thương mại song phương và xúc tiến thị trường thông qua các hình thức trực tuyến như tổ chức các buổi điện đàm trực tiếp giữa các Bộ trưởng Kinh tế để trao đổi về tình hình hợp tác thương mại, qua đó, tháo gỡ khó khăn về mở cửa thị trường; kết nối giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chuỗi cung ứng hàng hóa. Duy trì các cam kết mở cửa thị trường, tích cực khai thác cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như RCEP, CPTPP; tăng cường phát triển thị trường khu vực, xây dựng các chuỗi cung ứng hoàn chỉnh cho thị trường khu vực; phát triển hệ thống logistics hỗ trợ chuỗi cung ứng, gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trên thế giới. Bên cạnh đó, cần tận dụng các cơ hội của Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư nhằm khắc phục bất lợi từ việc đóng cửa nền kinh tế và giãn cách xã hội trong đại dịch Covid-19; tăng cường ứng dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa qua các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Với tinh thần đoàn kết, hợp tác, thấu hiểu và chia sẻ trong AIPA, lấy lợi ích của người dân là trung tâm, hành động trên tinh thần tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng luật pháp của mỗi quốc gia, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tin tưởng, các nước ASEAN sẽ cùng nhau vượt qua mọi thách thức, hướng đến ngày mai tươi sáng. 

Nhật An