Triển khai thực hiện Luật Thanh niên năm 2020

Phát huy vai trò "rường cột của nước nhà"

- Thứ Bảy, 05/12/2020, 07:50 - Chia sẻ
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa Luật Thanh niên năm 2020 sẽ chính thức có hiệu lực thi hành. Dù vậy, kể từ thời điểm được Quốc hội thông qua đến nay, cảm nhận chung là việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định của Luật vào cuộc sống còn khá chậm. Tại Hội thảo “Giám sát kế hoạch triển khai Luật Thanh niên” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam vừa phối hợp tổ chức, các đại biểu nhấn mạnh, cần có cơ chế cụ thể để thanh niên tham gia giám sát việc thi hành, bảo đảm thực thi hiệu quả các điều luật, từ đó, phát huy đầy đủ vai trò rường cột của thanh niên trong sự phát triển của đất nước.

Tôn trọng sự đa dạng và quyền của thanh niên

“Thế kỷ XXI đem lại vô vàn cơ hội. Chúng ta có lực lượng dân số trẻ lớn nhất trong lịch sử nước nhà. Nhưng để Việt Nam hưởng lợi đầy đủ từ cơ cấu dân số vàng và để thanh niên thực hiện được mọi khả năng của họ, Luật Thanh niên và các chính sách liên quan của Luật Thanh niên phải được thực hiện đầy đủ, hiệu quả theo kế hoạch và dự kiến. Đây là việc cần làm để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam”. Từ nhận định mang tính gợi mở đó, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara cho rằng, Hội thảo “Giám sát kế hoạch triển khai Luật Thanh niên” mang lại cơ hội tốt để thảo luận cách thức giám sát thực thi Luật hiệu quả ở tất cả các cấp và bảo đảm đạt được mục tiêu của Luật, tôn trọng sự đa dạng và quyền của thanh niên.

Nhiều ý kiến nhận định, với Luật Thanh niên năm 2020, chúng ta đã có hành lang pháp lý để xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sức sáng tạo và tiềm năng to lớn của thanh niên, cũng như phát huy vị trí, vai trò của tổ chức thanh niên trong việc đoàn kết, tập hợp thanh niên, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của thanh niên. Đặc biệt, vai trò nòng cốt của Đoàn Thanh niên trong các phong trào thanh niên, vai trò giám sát, phản biện xã hội đối với việc xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật đối với thanh niên, cũng đã được thể hiện trong Luật. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để huy động sự tham gia của lực lượng thanh niên trong giám sát việc thực hiện Luật Thanh niên năm 2020? Các điều kiện như nào để bảo đảm huy động thanh niên tích cực tham gia vấn đề này?...

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, Luật Thanh niên năm 2020 phù hợp với bối cảnh hiện nay, nhất là gắn với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, phong trào khởi nghiệp và hội nhập quốc tế sâu rộng... Trên tinh thần đó, để đưa Luật Thanh niên và các chính sách, pháp luật đối với thanh niên vào cuộc sống, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng rất cần sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong tổ chức triển khai các hoạt động thực hiện Luật.

Nguyên là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (Hải Dương) nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện Luật Thanh niên. Theo ông, Luật đã quy định rất cụ thể vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc chăm lo, bồi dưỡng và phát huy thanh niên. Do đó, để Luật thực sự đi vào cuộc sống, lan tỏa trong thế hệ trẻ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó vai trò quyết định nằm ở Nhà nước và bản thân thanh niên, cần quán triệt triệt để tinh thần phát triển thanh niên và thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc tổ chức, triển khai, thực hiện. 

Lực lượng đoàn viên thanh niên triển khai giúp đỡ các nhà trường huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa dọn dẹp vệ sinh sau mưa lũ tháng 9.2020  

Cơ chế thanh niên giám sát

Sau khi đã được Quốc hội thông qua, điều quan trọng nhất hiện nay là làm thế nào để Luật Thanh niên đến được từng đối tượng thanh niên. Dẫn quy định tại Khoản 2 Điều 28 của Luật Thanh niên năm 2020, "Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có trách nhiệm giám sát và phản biện xã hội đối với chính sách, pháp luật về thanh niên theo quy định của pháp luật; tổng hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của thanh niên đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền", Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thanh Hải nêu ý kiến: "Làm thế nào để huy động có hiệu quả sự tham gia của thanh niên trong thực hiện nhiệm vụ này là điều cần được tính đến, quan trọng nhất là các điều kiện bảo đảm để việc huy động này mang tính khả thi cao. Bởi khi đó, bản thân họ sẽ trực tiếp thực hiện quyền giám sát của mình đối với việc thực hiện pháp luật dành cho mình”.

Mặc dù cơ chế huy động sự tham gia của thanh niên trong giám sát thực hiện Luật đã được dự liệu khá nhiều và đầy đủ, song nếu chỉ có cơ chế không thì chưa đủ và vẫn khó huy động được thanh niên tham gia hoạt động này trong thực tế. Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Công an TP Hải Phòng Đào Thành Trung băn khoăn: “Chỉ còn chưa đầy một tháng, Luật Thanh niên năm 2020 chính thức có hiệu lực, nhưng nếu nói để Luật đi vào đời sống, vào hơi thở của từng thanh niên, xét về mặt thời gian vẫn còn chậm. Nên chăng cần sớm có các văn bản hướng dẫn cụ thể từng cấp đoàn thể, gắn với trách nhiệm và thời gian để kịp thời phổ biến, thực hiện tốt Luật”.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu nhận định, mấu chốt là khơi dậy nhiệt huyết của mỗi thanh niên, để từ đó họ quan tâm hơn đến việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, tìm tòi sáng tạo hơn nữa trong nghiên cứu, vận dụng các chính sách của Đảng, Nhà nước dành riêng cho mình. Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Luật miền Bắc Hoàng Xuân Châu nói: “Việc thanh niên chưa quan tâm, thậm chí thờ ơ đối với các chính sách ảnh hưởng đến chính họ hoặc ngại không dám lên tiếng khi quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng không được đảm bảo đang là một thực trạng cần phải cải thiện”.

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Trương Anh Tuấn cho rằng, Luật  Thanh niên đi vào cuộc sống sẽ tạo điều kiện mới, vị thế mới giúp thanh niên phát huy tốt vai trò của mình. Muốn vậy, hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật đối với thanh niên nên có sự đa dạng về phương thức. Câu chuyện nguồn lực tổ chức thực hiện Luật như thế nào cũng cần được xem xét thấu đáo, toàn diện hơn. “Nhiệm vụ đặt ra trước mắt đang đòi hỏi sự quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị”, Phó Trưởng đoàn Trương Anh Tuấn nói. Đồng tình với quan điểm này, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Lâm cũng nêu nhận định Luật Thanh niên không dễ để triển khai thực hiện. Theo ông, "càng khó như vậy, định hướng công tác triển khai thực hiện Luật càng phải tránh sự chung chung, mơ hồ, hình thức”. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Nguyễn Văn Tuyết cho biết, tiếp thu các ý kiến, tư vấn giải pháp triển khai hiệu quả Luật Thanh niên năm 2020 là cách để thúc đẩy việc thực hiện Luật này nhanh chóng đi vào cuộc sống. Qua đó, một lần nữa khẳng định, vai trò xung kích, đi đầu của thanh niên không chỉ dừng lại ở việc phát triển bản thân, mà còn đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội, phát huy vai trò rường cột của nước nhà.

Thái Minh