Phát triển Đảng ở miền Tây Nghệ An

Bài 1: Nỗ lực bên dòng Nậm Nơn

- Thứ Hai, 26/10/2020, 06:32 - Chia sẻ

Dẫu đã từng đặt chân đến nhiều nơi “thâm sơn cùng cốc”, nhưng khi về với miền Tây xứ Nghệ, đi sâu tìm hiểu hoạt động của các chi bộ đảng nơi vùng biên viễn này, chúng tôi rất xúc động. Theo dấu chân của những người được ví như cây cầu nối giữa “Ý Đảng - Lòng dân” khiến chúng tôi thêm thấm thía câu nói của Bác Hồ: “Đảng Cộng sản Việt Nam là một cơ thể sống chứ không phải thần thánh, không phải tự nhiên có mà do chính nhân dân và tổ chức xây dựng nên…”. 

“Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ hoạt động tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, nếu chi bộ kém thì công việc không trôi chảy…”. Nhắc lại câu nói này của Bác Hồ, những Đảng viên nơi biên cương của huyện Kỳ Sơn, Nghệ An hồ hởi: Chúng tôi không còn phải đi sinh hoạt nhờ mà đã có chi bộ Đảng của bản mình; với dân bản, họ coi Đảng như “con mắt sáng”; chi bộ là ngôi nhà chung và đảng viên như “cánh chim đầu đàn” - nơi họ gửi gắm tâm tư và khát vọng về sự đổi thay nơi thượng nguồn Nậm Nơn…

“Phải làm mạnh, rồi mới đến nói mạnh”

Sau giấc ngủ chập chờn xuyên đêm, vượt hơn 700km trên chiếc xe khách độc nhất, đánh thức bằng tia nắng xuyên qua cửa kính ô tô, chúng tôi cũng đặt chân đến được với huyện Kỳ Sơn. Sau một ngày nghỉ ngơi lấy sức ở thị trấn Mường Xén, dưới sự dẫn đường của hai cán bộ huyện, chúng tôi về xã biên giới Bắc Lý. Con đường cứ nhỏ dần và độ khó cũng tăng dần, khiến bữa sáng ăn vội như muốn trào ra khỏi dạ dày.

Phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân trao đổi với Bí thư Chi bộ bản Xám Xúm trong điều kiện "4 không"

Sau cái bắt tay thật chặt như đoán biết được “nhọc nhằn”, Bí thư Đảng ủy xã Vi Oanh chia sẻ: Điểm sáng nhất trong phát triển Đảng nhiệm kỳ qua đó là xóa “trắng” Đảng viên, bản “trắng” chi bộ. “Nói thì dễ nhưng để “phủ xanh” chi bộ lên các bản không hề dễ, bởi hai năm về trước ở 5 bản biên giới đều thiếu đảng viên tại chỗ, phải sinh hoạt ghép các bản khác. Một trong những cách làm của chúng tôi là đưa các đảng viên tăng cường đến sinh hoạt tại các chi bộ cơ sở. Nhờ đó, đến nay các bản đều có chi bộ của chính mình”, ông Oanh chia sẻ.

Để tìm hiểu sâu hơn về những hạt nhân quý nơi biên cương, chúng tôi đã mục sở thị tận nơi. Trên con đường đá lởm chởm, chiếc xe máy cứ chồm lên rồi lộn xuống, chúng tôi mới thấu hiểu những vất vả, hiểm nguy và những gian truân để ý Đảng hòa với lòng dân. Và đó cũng là một cách để lý giải: Vì sao một thời gian dài nơi đây lại “trắng” đảng viên, “trắng” chi bộ?

“Ngót nghét” thêm hơn tiếng đồng hồ, chúng tôi cũng đặt chân đến với bản người Khơ Mú. Tìm đến nhà Bí thư Chi bộ bản Huổi Bắc, khác với suy nghĩ của chúng tôi, anh Moong Văn Bảy còn rất trẻ (sinh năm 1989). Theo lời kể của anh, thời điểm năm 2009, cả bản chỉ có hai đảng viên và thường phải lặn lội hơn 3km khe rừng để đi sang bản Buộc sinh hoạt ghép. “Những hôm trời mưa xác định là sẽ bị nhuộm bùn đất hoặc phải bỏ sinh hoạt. Lúc bấy giờ, chỉ ao ước thành lập được một chi bộ trên chính bản của mình”, anh Bảy nhớ lại.

Mong ước đó sớm trở thành hiện thực khi năm 2010, Chi bộ Huổi Bắc được thành lập. Thời điểm đó, bà con chưa nhận thức được chi bộ là gì nên công tác phát triển đảng viên gặp nhiều khó khăn. Thấu hiểu được điều đó, năm 2018 sau khi được bầu là Bí thư Chi bộ, anh Bảy đã chủ động phát huy phương châm “Đảng viên đi trước làng nước theo sau” bắt tay khai hoang và thử nghiệm mô hình trồng lúa nước. Sau vài vụ thành công, anh đã tuyên truyền và giúp 34 hộ chuyển đổi từ lúa rẫy sang trồng lúa nước; trong đó, nhiều hộ tích cực khai hoang và có diện tích lớn như: Đảng viên Lương Phò Kỳ, Lo Văn Nòi… Bằng những việc làm thiết thực mà những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đến với bà con được thuận lợi hơn. Tuy nhiên, điều băn khoăn là việc phát triển đảng viên mới.

Câu chuyện về nỗ lực xóa “trắng” đảng viên ở đây cũng tiêu biểu cho 4 bản còn lại: Nhọt Kho, Kèo Pa Tú, Kèo Nam, Cha Nga. “Chi bộ ở các bản biên giới thường phức tạp và việc phát triển lực lượng đảng viên mới rất khó. Mong rằng các cấp quan tâm, đầu tư hơn nữa về hạ tầng giao thông, sớm đem “ánh sáng điện lưới” phủ lên các bản đặc thù này. Có như vậy, cuộc sống bà con mới đổi thay; mới mong giữ chân được thanh niên ở lại bồi dưỡng và kết nạp vào Đảng…”, Bí thư Đảng ủy Vi Oanh tâm sự.

Chia tay Bắc Lý, tiếp tục con đường quanh co ôm núi để đến với bản Xằng Trên (xã Mỹ Lý). Sau hơn 30 phút, chiếc thuyền máy cũng đưa chúng tôi đến với bản biên giới người Thái. Rót ly chè nóng, Bí thư Chi bộ, ông Lô Hành bắt đầu câu chuyện: Toàn bản có 165 hộ, trong đó có 25 đảng viên. “Nếu không có chi bộ, không có vai trò hạt nhân là các đảng viên, chắc rằng bản không có ngày hôm nay. Tuy nhiên, công tác phát triển đảng viên còn nhiều khó khăn đến từ việc bà con không có mô hình kinh tế để phát triển, con em đều tìm cách thoát ly.

Có thể thấy, mặc dù, “bén rễ” khá muộn nhưng chi bộ ở các bản biên giới của Mỹ Lý đã phát huy tính tiên phong và trở thành cây cầu niềm tin trong đảng viên và quần chúng. Tuy nhiên, theo Bí thư Đảng ủy xã Lô Văn Liệu, nhận thức về Đảng của bà con còn hạn chế; quần chúng đi làm ăn xa nhiều; có đảng viên sa vào tệ nạn, vi phạm pháp luật phải đình chỉ sinh hoạt… Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, các chi bộ có từ 10 - 12 đảng viên, không có chi bộ nhiều năm liền không kết nạp được quần chúng; đồng thời, sẽ tuyên truyền giới thiệu quần chúng đi học cảm tình Đảng.

Chi bộ không mạnh nếu cứ chìm trong “4 không”

Sau những ngày lặn lội ở Bắc Lý và Mỹ Lý, tưởng chừng đó là những bản khó khăn, xa xôi nhất của Kỳ Sơn. Nhưng không, cung đường đó so với quãng đường từ trung tâm xã Mường Lống vào bản Xám Xúm vẫn chưa là gì. Với quãng đường 7km mà hơn 1 tiếng đồng hồ mới vào được. Điểm sáng nhất nơi đây chính là trong câu chuyện kể về Bác Hồ của bà con, ai ai cũng có niềm tin tuyệt đối vào Đảng. Thực sự, chúng tôi không thể ngờ, bà con “một chữ cắn đôi” không biết lại có thể kể vanh vách những dấu ấn hoạt động của Người. Và khi nhắc đến Đảng, họ nói rằng: “Đảng là một cơ thể sống; Đảng như con ngươi mắt mình”…

Trong câu chuyện với chúng tôi, Bí thư Chi bộ Và Xái Cổ nhớ lại: Khoảng chục năm về trước, bà con dường như sống tách biệt. Xám Xúm trở thành một trong những cái tên nổi tiếng trong hồ sơ “điểm nóng” ma túy của cả nước. Đây cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến “trắng” đảng viên, “trắng” chi bộ. Bởi, đơn giản không có nguồn để phát triển Đảng… “Nhờ chủ trương “phủ xanh” những “cánh tay nối dài” của Đảng, năm 2016 cả bản gồm 4 đảng viên, sau 3 năm đã kết nạp được thêm 7 đồng chí. Các đảng viên đều gương mẫu, tuyên truyền đường lối, các hương ước đến từng hộ, giúp bà con dần thay đổi nhận thức và có ý thức về xây dựng quê hương”, ông Và Xái Cổ chia sẻ.

Từ thực tế của địa phương, phải thẳng thắn thừa nhận: Chi bộ sẽ không thể mạnh lên nếu dân cứ nghèo, cứ mãi chìm trong “4 không”: Không điện, không đường, không mô hình kinh tế, không hệ thống liên lạc hoàn chỉnh và cũng sẽ không thể giữ chân được những quần chúng ở lại địa phương để tạo nguồn phát triển. Với nơi có địa bàn phức tạp bậc nhất của xứ Nghệ này, muốn cánh tay của Đảng thực sự phát huy “cầu nối” thì cần có những chính sách đưa công nghệ 4.0 về thay thế “4 không” mà hiện nay bản đang sở hữu. Có như thế, chi bộ mới phát triển mạnh và bà con mới tin tưởng vào sức mạnh của tổ chức cơ sở Đảng tại chỗ.

Đồng hành về Xám Xúm với chúng tôi hôm đó còn có anh cán bộ xã Mường Lống. Theo chia sẻ của anh, xã đã giải quyết được bài toán xóa “trắng” đảng viên, xóa “trắng” chi bộ ở Xám Xúm. Tuy nhiên, bài toán tiếp theo cần phải giải quyết đó là: Đã xóa trắng thì làm gì để giảm yếu? Có lẽ cách giảm yếu thiết thực nhất là phải xây dựng được đội ngũ đảng viên kế cận có học thức và sẵn sàng ở lại kiến thiết, xây dựng quê hương.

Nhưng điều này không hề đơn giản, bởi với vùng đất “trở đi mắc núi, trở lại cũng mắc núi” này thì nguồn nhân lực trẻ sẽ tiếp tục bị “chảy máu” nếu không có giải pháp đồng bộ. “Mong Đảng và Nhà nước, đặc biệt tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ tiếp tục có những quyết sách lớn nhằm giúp vùng đất biên cương thực sự chuyển mình…”, cán bộ xã Mường Lống bày tỏ mong muốn.

Câu chuyện kết thúc cũng là lúc mặt trời gác núi, cả bản Xám Xúm chìm trong bóng tối. Những ánh đèn hắt ra từ những ô cửa nhỏ chẳng đủ để thắp sáng lối đi. Trong giấc ngủ, với bản nhạc của những con côn trùng, con dế... đâu đó vẫn là hình ảnh những người đảng viên kiên trung đi đến từng nhà dân truyền tải đường lối, chính sách của Đảng; nét lam lũ của bà con hay nét u ám còn đọng lại trên những con đường…

 Vẫn còn đó nhiều băn khoăn trăn trở, nhiều day dứt ở điểm cuối cùng nơi “cánh tay nối dài” của Đảng. Và, giá như ở các bản biên cương này có thêm những con đường “hạnh phúc” nối từ xã vào bản như con đường Quốc lộ 16, chạy dọc các huyện biên giới rẻo cao kia thì chắc chắn các chi bộ và cuộc sống của bà con ở ngang lưng trời này sẽ có bước phát triển đột phá hơn…

Bách Hợp - Diệp Anh