Phát triển giáo dục đại học gắn với đổi mới sáng tạo

- Thứ Ba, 28/12/2021, 20:49 - Chia sẻ
Chiều 28.12, Tiểu ban Giáo dục đại học, Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đã tổ chức toạ đàm thứ 2 về “Xây dựng Khung Chiến lược phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045”.

Theo báo cáo của Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD - ĐT), năm 2020 có 240 trường đại học, học viện bao gồm 175 trường công lập, 60 trường tư thục và dân lập, 5 trường có 100% vốn nước ngoài. Quy mô đào tạo được cải thiện đáng kể cùng với cơ cấu ngành nghề ngày càng đa dạng, tiệm cận với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương.

Giáo dục đại học (GDĐH) đã gắn kết hơn với nghiên cứu khoa học; thứ hạng của các cơ sở GDĐH Việt Nam trên các bảng xếp hạng thế giới được cải thiện. Lần đầu tiên Việt Nam có 4 cơ sở giáo dục đại học được ghi nhận trong bảng xếp hạng các cơ sở GDĐH tốt nhất thế giới; nhiều trường, nhiều ngành đào tạo đã từng bước sánh ngang với các nền giáo dục hiện đại, chất lượng cao.

Mặc dù vậy, hệ thống GDĐH Việt Nam vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được giải quyết để nâng cao năng lực toàn hệ thống. Do đó, cần tiếp tục phát triển giáo dục đại chúng, có trọng tâm, trọng điểm và phát triển tinh hoa; đào tạo tập trung vào đầu ra với mục tiêu hình thành thế hệ nhân lực có khả năng, kĩ năng khởi nghiệp với khát vọng phát triển đất nước. Phát triển giáo dục đại học gắn liền với chuyển đổi số để nắm bắt cơ hội, thời cơ của Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và xu hướng quốc tế hóa, toàn cầu hóa. 

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu tại phiên họp

Dự thảo Khung Chiến lược phát triển GDĐH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra 3 chiến lược phát triển. Thứ nhất, chiến lược tối ưu hóa hệ thống, trong đó, quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở GDĐH, tăng cường tự chủ đại học, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của từng cơ sở GDĐH và cả hệ thống. Thứ hai, chiến lược tài chính đòn bẩy, đổi mới chính sách, cơ chế tài chính nhằm tăng hiệu quả đầu tư từ ngân sách, tạo động lực cho phát huy nội lực của các cơ sở GDĐH và tạo đòn bẩy cho thu hút các nguồn đầu tư khác cho GDĐH. Thứ ba, chiến lược GDĐH số. Theo đó, đẩy mạnh chuyển đổi số trong GDĐH, từ quản lý nhà nước, giữa các cơ sở GDĐH và trong từng cơ sở GDĐH hướng đến mục tiêu xây dựng hệ thống GDĐH minh bạch hơn, linh hoạt hơn, hiệu quả và tiết kiệm chi phí, mở rộng cơ hội tiếp cận GDĐH chất lượng cao.

Tại phiên họp, các đại biểu đều tán thành với quan điểm, định hướng, tầm nhìn và mục tiêu chung mà dự thảo Khung Chiến lược phát triển GDĐH Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề xuất. GS. TS. Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Cần Thơ đánh giá, dự thảo Khung Chiến lược gọn, rõ với 3 chiến lược để phát triển GDĐH. Tuy nhiên, ông cho rằng, mục tiêu chung đến năm 2030 Việt Nam phấn đấu nằm trong 4 quốc gia có hệ thống GDĐH tốt nhất khu vực Đông Nam Á "hơi khiêm tốn". GDĐH Việt Nam có thể phấn đấu cao hơn, cạnh tranh với các quốc gia như Malaysia, Singapore..

Theo GS. TS Nguyễn Hữu Đức, ĐHQG Hà Nội, dự thảo Khung Chiến lược cần làm rõ nội hàm về đổi mới sáng tạo trong các cơ sở GDĐH. Nếu không làm rõ nội dung này thì nghiên cứu khoa học trong các cơ sở GDĐH sẽ vẫn chỉ là “khoa học vị xuất bản”…

Ghi nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cơ sở GDĐH, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, dự thảo Khung Chiến lược sẽ được tiếp tục được hoàn thiện, bám sát quan điểm, định hướng trong Nghị quyết 29; đồng bộ với Chiến lược Phát triển kin tế - xã hội và Chiến lược Phát triển giáo dục Việt Nam, Chiến lược Phát triển khoa học - công nghệ Việt Nam… 

Khải Minh