Phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả

- Thứ Bảy, 22/01/2022, 06:23 - Chia sẻ
Năm 2021 đã khép lại trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh mẽ, biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh và thâm nhập sâu vào cộng đồng dân cư. Số ca nhiễm và nhu cầu chăm sóc y tế tăng vọt trong thời gian ngắn, dẫn đến tình trạng quá tải và tiềm ẩn nhiều vấn đề. Song, với sự nỗ lực của toàn ngành và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng người dân cả nước, công tác y tế đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ và để lại dấu ấn đặc sắc, tạo tiền đề và định hướng triển khai hoạt động năm 2022.

Trụ vững trong khủng hoảng

Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022 do Bộ Y tế tổ chức ngày 20.1.

Về công tác phòng dịch Covid-19, ngay từ những ngày đầu phát hiện biến chủng, công tác phòng dịch đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự tin tưởng, đoàn kết của toàn dân, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, nỗ lực không ngừng của lực lượng chức năng nơi tuyến đầu. Các địa phương sớm xây dựng kịch bản chống dịch; quyết liệt triển khai giám sát, làm tốt công tác khoanh vùng, cách ly và điều trị. Song song với đó, chủ động các phương án điều trị và tăng cường năng lực hệ thống, hình thành các trạm y tế lưu động để giảm thiểu tối đa trường hợp tử vong...

“Ngành Y tế đã huy động tổng lực và áp dụng, triển khai nhiều giải pháp chuyên môn chưa có tiền lệ trong công cuộc chống dịch” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Trong năm 2021, Việt Nam đã tổ chức chiến dịch tiêm vaccine phòng dịch lớn nhất trong lịch sử với phương châm làm thế nào để có vaccine nhiều nhất, nhanh nhất và an toàn nhất. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 20.1, cả nước đã tiêm được 172.714.400 mũi vaccine. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên, đạt 100% và tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản đạt 93,4%, tỷ lệ tiêm liều nhắc lại là 13,1% dân số từ 18 tuổi trở lên. Dự kiến Việt Nam sẽ hoàn thành tiêm phủ mũi 3 vào cuối quý I.2022. Cùng với đó, tích cực chuẩn bị tiêm cho trẻ em từ 5 - 12 tuổi và sẽ triển khai theo khuyến cáo về mặt khoa học, bảo đảm an toàn, hiệu quả.

Mặc dù tập trung cao cho công tác chống dịch, song, các hoạt động y tế khác vẫn được duy trì hiệu quả; công tác quản lý môi trường y tế, truyền thông, y tế cơ sở cũng được tăng cường, giúp người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người thân và cộng đồng. Các chính sách đổi mới công tác dân số tiếp tục được hoàn thiện, duy trì vững chắc mức sinh thay thế trong cả nước, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh.

Đặc biệt, Bộ Y tế đã chuyển “nguy” thành “cơ” trong đại dịch để tăng tốc chuyển đổi số, xếp thứ 5 về chuyển đổi số trong số 18 Bộ có cung cấp dịch vụ công; tập trung nghiên cứu, đầu tư, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng Covid-19, thuốc, trang thiết bị y tế trong nước. Đồng thời, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, xác định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công.

Dồn lực triển khai 5 nhiệm vụ trọng tâm

Năm 2022, ngành y tế xác định nhiệm vụ trước mắt và ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện thành công Chương trình phòng chống dịch Covid-19 năm 2022 - 2023, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.

“Cuộc chiến phòng Covid-19 vẫn còn trước mắt, mỗi ngày, vẫn có hơn 200 người tử vong do dịch bệnh, nếu để biến chủng Omicron lan tràn sẽ dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống y tế. Tốc độ lây nhiễm của Omicron cao gấp 7 lần trong nhóm chưa tiêm chủng và gấp 3 lần với nhóm đã tiêm chủng đầy đủ dẫn đến tăng rất nhanh số ca mắc. Vì vậy, vẫn phải đặt trọng tâm cho công tác phòng, chống dịch” - Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

Thứ hai, tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng và trình các dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi; Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi,…Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo.

Thứ ba, tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của y tế dự phòng và y tế cơ sở; bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Cải thiện và nâng cao chất lượng chuyên môn y tế, chú trọng tại vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, vùng khó khăn.

Thứ tư, tăng cường năng lực nguồn nhân lực y tế, từng bước bảo đảm đủ số lượng, chất lượng đội ngũ nhân viên y tế các tuyến; có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp, triển khai kết luận của Bộ Chính trị về tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%.

Thứ năm, đẩy mạnh hoạt động trên tất cả lĩnh vực chuyên môn; đổi mới phương thức quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược, trang thiết bị. Đồng thời, tăng cường thông tin tuyên truyền, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và kỷ cương, kỷ luật quản lý nhà nước trong các hoạt động của ngành.

Để hoàn thành được những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ, ngành y tế mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, cùng sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự tin tưởng, chia sẻ của toàn thể nhân dân để làm tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân, cũng như triển khai thực hiện thành công các nhiệm vụ của ngành, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng.

Hoàng Yến