Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu

Phát triển nông nghiệp bền vững

- Thứ Năm, 22/10/2020, 06:52 - Chia sẻ
Trước những tác động nghiêm trọng của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt, sản xuất theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu là hướng đi tất yếu của các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Sản xuất nông nghiệp vẫn được coi là lĩnh vực kinh tế trọng điểm của vùng ĐBSCL, điều này đòi hỏi cần phải có những giải pháp căn cơ ứng phó với hạn mặn ở ĐBSCL diễn ra hằng năm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mùa khô 2019 - 2020, diện tích vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng bởi khô hạn và xâm nhập mặn khoảng 25,12 nghìn hecta, trong đó, diện tích thiệt hại hơn 70% chiếm khoảng 11 nghìn hecta. Cây sầu riêng bị thiệt hại nặng nhất, với hơn 9,6 nghìn hecta; bưởi hơn 5,7 nghìn hecta, chôm chôm 4,6 nghìn hecta, chanh 2,3 nghìn hecta…

Nguồn: ITN

Các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng là những địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất. Trong năm 2020 - 2021, theo dự báo, mặn có thể xuất hiện sâu hơn trung bình nhiều năm từ 15 - 20km, thấp hơn năm 2019 - 2020 khoảng 7 đến 13km và cũng có thể tương đương với năm 2015 - 2016, cá biệt có những thời điểm ngắn hạn ở mức tương đương năm 2019 - 2020.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chỉ tính riêng trong mùa khô 2019 - 2020, toàn vùng có 6 tỉnh với tổng diện tích cây ăn quả bị thiệt hại do hạn, mặn lên đến trên 25.000ha. Trong số đó, có gần 11.200ha bị thiệt hại trắng. Trong đó, tỉnh Long An diện tích bị hạn khoảng 2,5 nghìn hecta; Tiền Giang, Vĩnh Long diện tích bị hạn mặn khoảng 8,8 nghìn hecta; Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng, diện tích bị hạn khoảng 13,8 nghìn hecta.

Báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trên cơ sở nhận định về mưa, dòng chảy trên lưu vực sông Cửu Long, năm 2020 được dự báo tiếp tục là năm ít nước, lũ về ĐBSCL nhỏ. Do vậy, xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ sẽ cao hơn trung bình nhiều năm nhưng nhiều khả năng không gay gắt như năm 2019 - 2020. Từ đó, Tổng cục Thủy lợi khuyến cáo các giải pháp ứng phó, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ vườn cây ăn quả tại ĐBSCL.

Trước mắt, các ngành và địa phương cần cập nhật liên tục diễn biến thời tiết, nguồn nước ở thượng nguồn sông Mê Kông để kịp thời phát hiện, nắm bắt tình hình xâm nhập mặn và đưa ra các giải pháp ứng phó. Khẩn trương rà soát, đánh giá lại các công trình thủy lợi hiện hữu, lập kế hoạch đầu tư hoàn thiện, nâng cấp và sửa chữa bảo đảm khả năng phòng, chống, đồng thời nắm chắc diện tích vườn cây ăn quả, tuyên truyền cho người dân các biện pháp ứng phó, bảo vệ vườn cây, đặc biệt là các giải pháp rửa mặn, cải tạo đất, phục hồi vườn cây trước, trong và sau khi hạn, mặn, bảo đảm cây khỏe mạnh, đủ sức chống chịu vượt qua những điều kiện thời tiết khắc nghiệt...

Về lâu dài, để vùng trồng cây ăn quả ở ĐBSCL phát triển bền vững trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thủy văn, thiên tai hạn, mặn cần tiếp tục tăng cường thực hiện các nội dung Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ; rà soát quy hoạch, đẩy mạnh việc chuyển đổi, bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với các tiểu vùng sinh thái đồng thời với đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp - nông thôn thích ứng biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng những giải pháp được các địa phương trong vùng triển khai như: Thay đổi thời gian gieo sạ lúa theo hướng né mặn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thích ứng hạn mặn… đã phát huy hiệu quả. Bên cạnh các giải pháp công trình, như xây dựng, hoàn thiện các công trình thủy lợi để kiểm soát mặn - ngọt đã giúp giảm thiểu thiệt hại do hạn mặn gây ra.

Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: Để giúp sản xuất nông nghiệp ứng phó với hạn, mặn diễn ra hằng năm, tỉnh đang định hướng phát triển nông nghiệp lâu dài phù hợp với cả ba vùng sinh thái: ngọt - lợ - mặn. Theo đó thì đối với sinh thái ngọt thì chủ yếu vào kinh tế vườn tập trung phát triển thành vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản, có thế mạnh của vùng như: Bưởi da xanh, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm… và đồng thời kết hợp với thủy sản nước ngọt.

Còn đối với vùng nước lợ, theo ông Trọng, tỉnh chủ yếu khuyến khích mọi người trồng dừa chuyên canh, dừa sen, cây ăn trái kết hợp với nuôi trồng thủy sản và đặc biệt là con tôm càng xanh trên đuông dừa. Đối với vùng mặn thì chủ yếu khai thác thủy sản như tôm biển, ngêu, sò và khai thác thủy sản đánh bắt để tạo cả 3 vùng sinh thái bền vững, đó là một định hướng đúng và chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện".

PGS.TS. Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu cho biết: “Hiện nay đang có những chuyển hướng, chúng ta có thể vẫn là những năng suất, diện tích lúa và những vùng lợi thế trồng lúa thì không phải chỗ nào chúng ta cũng phát triển cây lúa. ĐBSCL có những vùng như Bến Tre, thì theo định hướng của tỉnh chỉ bảo đảm ở mức độ nhất định thôi. Đặc biệt chúng tôi nói là 8 cái tỉnh ven biển, những vùng rất nhạy cảm với mặn và hạn, thì chuyển hướng những câu chuyện sản xuất thủy sản, cây ăn trái, cây trồng chịu hạn mặn tốt hơn để phát triển kinh tế, thì đó là một định hướng rất tốt để sử dụng nguồn nước có hiệu quả".  

Phát triển sản xuất nông nghiệp chủ động ứng phó với hạn mặn, sản xuất theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu là hướng đi tất yếu của các địa phương vùng ĐBSCL. Để thực hiện được các giải pháp cụ thể, đòi hỏi chính quyền địa phương, các ngành chức năng cần thực hiện tốt các chủ trương, chính sách đề ra. Về phía người dân cần chủ động cập nhật thông tin liên quan đến tình hình sản xuất, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, các biện pháp canh tác thông minh để bảo vệ thành quả lao động, ổn định cuộc sống - PGS.TS. Đào Trọng Tứ cho biết thêm.

Tùng Lâm