THẢO LUẬN TẠI KỲ HỌP THỨ 2, HĐND TỈNH KON TUM KHÓA XII

Phát triển sâm Ngọc Linh không chỉ về diện tích

- Chủ Nhật, 26/12/2021, 06:53 - Chia sẻ
Cần hỗ trợ một phần ngân sách tỉnh nâng cấp cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu dạy và học; tăng cường quản lý, hướng dẫn người dân chăm sóc rừng, nhất là đối với rừng phân tán để bảo đảm tỷ lệ cây sống; phát triển sâm Ngọc Linh không chỉ về diện tích mà phải chế biến thành sản phẩm hàng hóa có giá trị cao… là những nội dung được đại biểu đề xuất, nhấn mạnh trong phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Khóa XII.
Đại biểu Võ Thanh Chính phát biểu thảo luận
Ảnh: H. Hiển

Ngoại ngữ cho học sinh Tiểu học vùng đặc biệt khó khăn

Mở đầu phiên thảo luận tại hội trường, đại biểu Đỗ Thị Hồng Hạnh (Tổ thành phố Kon Tum) cho rằng tất cả các trường mầm non, các bậc phổ thông trên địa bàn thành phố về cơ sở vật chất đều chưa đáp ứng được nhu cầu ở mức tối thiểu theo quy định tại Thông tư 13/2020/TT-BGD&ĐT, đặc biệt là nhu cầu về phòng học, trang thiết bị dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhằm bảo đảm môi trường dạy học an toàn, thân thiện, đại biểu đề nghị hỗ trợ một phần ngân sách tỉnh để nâng cấp cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong năm học 2021 - 2022 và những năm tiếp theo. Đại biểu Võ Thanh Chín (Tổ huyện Đăk Hà) bức xúc: Hiện nay, học sinh Tiểu học một số huyện vùng đặc biệt khó khăn chưa được học tiếng Anh, đến lớp 6 vẫn phải theo học chương trình sách giáo khoa tiếng Anh chung như học sinh ở các vùng thuận lợi là chưa phù hợp... Đại biểu đề nghị ngành giáo dục nghiên cứu vấn đề này và có kiến nghị với cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh chương trình học.

Giải trình ý kiến của đại biểu, UBND tỉnh cho biết kế hoạch trung hạn giai đoạn năm 2021 - 2025 của tỉnh đã đầu tư cho giáo dục - đào tạo 346 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,6% ngân sách tỉnh, tăng 162 tỷ đồng so với giai đoạn trước. Tuy vậy, thời gian tới UBND tỉnh sẽ rà soát, phân bổ vốn cho các nguồn phát sinh, các nguồn mục tiêu khác để đạt chuẩn giáo dục theo yêu cầu phát triển hiện nay.

Mức hỗ trợ trồng rừng còn thấp

Mùa mưa năm nay, Kon Tum đã trồng mới 3.955ha rừng, đạt 131,8% kế hoạch. Tỉnh hiện có 29 mô hình quản lý rừng cộng đồng với diện tích khoảng 6.484ha đang được các cộng đồng quản lý bảo vệ tốt. Các điểm "nóng" về khai thác, vận chuyển, cất giấu lâm sản trái pháp luật đã được xử lý dứt điểm... Kết quả đạt được đã được hầu hết các đại biểu đánh giá cao.

Tuy nhiên, một số đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn người dân chăm sóc rừng, nhất là đối với rừng phân tán (đã trồng được trên 700.000 cây) để bảo đảm tỷ lệ cây sống. Mặt khác, đại biểu Y Hương (Tổ huyện Tu Mơ Rông) cho rằng chính sách hỗ trợ người dân tham gia trồng rừng quá thấp, chỉ 10 triệu đồng/1ha/chu kỳ, chưa đủ để khuyến khích và huy động sự tham gia của người dân trồng rừng trong những năm tới.

Chế biến sâm Ngọc Linh thành sản phẩm hàng hóa giá trị cao

Đại biểu Trần Hoàn (Tổ huyện Tu Mơ Rông) cho rằng, để đạt được mục tiêu trồng mới 500ha sâm Ngọc Linh và 2.000ha cây dược liệu trong năm tới, cần những giải pháp cụ thể, căn cơ, thực chất hơn. Theo đại biểu, ngoài chính sách hỗ trợ giống cây cho người dân, tỉnh cần có cơ chế tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội; xây dựng chuỗi giá trị; lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia để người dân có điều kiện và mạnh dạn trồng sâm Ngọc Linh cũng như các cây dược liệu khác.

Cùng băn khoăn, trăn trở về vấn đề phát triển dược liệu nói chung, sâm Ngọc Linh Kon Tum nói riêng, đại biểu Y Hương (Tổ huyện Tu Mơ Rông) đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành có quy hoạch cụ thể về đất và vùng trồng sâm Ngọc Linh; cung ứng giống bảo đảm chất lượng; tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay cho người dân. Đồng thời, hướng dẫn kỹ thuật, định hướng sản xuất đối với các dược liệu khác (như: Hồng đẳng sâm, Lan kim tuyến, Sơn tra, Ngũ vị tử...) để hạn chế sự bấp bênh trong sản xuất, phát triển dược liệu.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Văn Trang cho rằng, phát triển sâm Ngọc Linh không chỉ về diện tích mà phải chế biến thành sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, bởi sau khi thu hoạch vấn đề đầu ra mang tính quyết định. Năm 2022, để trồng 500ha sâm Ngọc Linh, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng vấn đề nằm ở nguồn vốn và cây giống. Đối với việc trồng 2.000ha dược liệu khác là cây dược liệu gì, cần phải làm rõ.

Kết luận phiên thảo luận, Chủ tọa kỳ họp cho rằng, các đại biểu HĐND tỉnh tham gia hầu hết các lĩnh vực, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Qua đó, đề nghị UBND, các sở, ngành trong năm 2022 cần năng động chỉ đạo, điều hành thường xuyên và liên tục để đạt các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2022.                                                                                  

HẢI HIỂN