Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch

- Chủ Nhật, 05/12/2021, 05:16 - Chia sẻ
Với lợi thế có nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng cùng với đặc sản riêng của từng vùng như vải thiều, mỳ Chũ, rượu làng Vân… đã được xếp hạng OCOP và được người tiêu dùng tiếp nhận tích cực, tỉnh Bắc Giang đang có lợi thế trong việc gắn du lịch với các sản phẩm OCOP của từng địa phương.
Du khách đến Lục Ngạn mùa vải chín có thể tự tay lựa chọn những trùm vải tươi ngon nhất
Ảnh: thetimes

Kích cầu du lịch từ sản phẩm OCOP

Trước tác động mạnh của dịch Covid-19, du lịch được xem là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề, nghiêm trọng, việc gắn các sản phẩm nông nghiệp nhằm kích cầu hoạt động du lịch là hướng đi mới được nhiều địa phương áp dụng. Các sản phẩm OCOP gắn với du lịch cũng được nhiều địa phương tập trung nguồn lực thực hiện và bước đầu mang lại kết quả khả quan, không những nâng cao giá trị kinh tế, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân mà còn thiết thực góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, tạo động lực phát triển bền vững…

Lục Ngạn là một trong những huyện có nhiều thế mạnh về phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn gắn với cộng đồng tại tỉnh Bắc Giang. Trong những năm qua, huyện Lục Ngạn đã chủ động xây dựng các vùng trồng cây ăn quả quy mô lớn, hoàn thiện cơ sở hạ tầng để thu hút khách du lịch; đặc biệt, với sự tham gia của các hợp tác xã đã kết hợp thành chuỗi hoạt động du lịch, tham quan trải nghiệm trên địa bàn huyện.

Ông Phạm Văn Dũng, đại diện Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (thôn Kép, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn) cho biết, để phục vụ xuất khẩu, 100% diện tích vải thiều của HTX được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, tạo điều kiện thuận lợi để mở cửa thu hút khách du lịch tham quan, trải nghiệm. Đây là một trong những hướng đi được HTX quan tâm và tập trung đầu tư hơn nữa trong thời gian tới; thậm chí, tiến tới liên kết với các doanh nghiệp và địa phương khác trong tỉnh để xây dựng thành chuỗi sản xuất nông sản OCOP và xúc tiến các sản phẩm du lịch cho địa phương.

Hình thành OCOP dịch vụ

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bắc Giang đề ra mục tiêu hình thành các HTX có điều kiện phát triển du lịch nông thôn tại các địa phương; đến năm 2025, các điểm du lịch nông thôn và vùng cây ăn quả có điều kiện đón ít nhất 1 triệu lượt khách mỗi năm. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang Lê Bá Thành, giai đoạn đầu triển khai Đề án mỗi xã một sản phẩm OCOP, Bắc Giang ưu tiên xây dựng các sản phẩm OCOP hữu hình, gắn sao cho các sản phẩm đặc trưng của mỗi làng quê khi đạt các tiêu chí theo quy định. Tuy nhiên, theo ông Thành, nếu không có dịch vụ, không có chuỗi cung ứng thu hút khách hàng thì sản phẩm không thể mở rộng, vươn xa. Việc hình thành OCOP dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch để tiêu thụ sản phẩm OCOP hữu hình rất cần thiết. Với các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP, có chỗ đứng trên thị trường là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng du lịch nông thôn trở thành một sản phẩm OCOP cùng lợi thế về thiên nhiên, cảnh sắc, phong tục tập quán riêng tại mỗi làng quê, cùng cây trái quanh năm trĩu quả của Bắc Giang.

Thêm vào đó, hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ giúp các bên cùng phát huy lợi thế để phát triển du lịch Bắc Giang. Các địa phương có thể sử dụng tài nguyên du lịch của nhau để cùng xây dựng sản phẩm du lịch và xúc tiến du lịch. Sự liên kết giữa các tuyến, điểm du lịch và sự gắn bó chặt chẽ của các doanh nghiệp cùng địa phương có các sản phẩm nông nghiệp OCOP sẽ tạo nên sự đồng bộ để không chỉ thu hút khách mà còn tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn, làm tăng thêm sức hấp dẫn, hiệu quả kinh doanh và giá trị thương hiệu sản phẩm của người dân Bắc Giang.

Việc lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực đầu tư. Sản phẩm OCOP sẽ góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút du khách, đồng thời quảng bá hoạt động du lịch, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP. Từ đó việc quan tâm, đầu tư tạo dựng sản phẩm OCOP sẽ thuận lợi hơn, giúp nâng tầm sản phẩm, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, nâng thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững.

Việt Anh