Xây dựng nông thôn mới bền vững, có chiều sâu

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch

- Thứ Hai, 27/12/2021, 06:30 - Chia sẻ
Phát triển các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với du lịch đang là hướng đi mới được được tỉnh Phú Thọ tập trung nguồn lực thực hiện và bước đầu đã mang lại kết quả khả quan, không những nâng cao giá trị kinh tế, hiệu quả sản xuất nông nghiệp mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống.

Phát triển sản phẩm đặc trưng

Thực tế cho thấy, muốn phát triển bền vững, du lịch buộc phải có sản phẩm đặc trưng được du khách ưa chuộng. Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, các sản phẩm OCOP mang đặc trưng hoặc thuần hóa trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, tri thức địa phương.

	Chăm sóc chè tại HTX sản xuất Chè an toàn Long Cốc (huyện Tân Sơn) Nguồn: ITN
Chăm sóc chè tại HTX sản xuất Chè an toàn Long Cốc (huyện Tân Sơn)
Nguồn: ITN

Sau 3 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay tỉnh đã có 28 danh mục sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó 8 sản phẩm đạt hạng 4 sao là: Gạo giống Nhật J02; mỳ gạo Hùng Lô loại đặc biệt; mỳ gạo Hùng Lô - mỳ gạo sạch sinh ra từ làng; chè xanh Bát Tiên Long Cốc. Đây đều là những sản phẩm có lịch sử hình thành lâu đời gắn liền với những địa danh có nhiều tiềm năng khai thác và xây dựng thành sản phẩm du lịch làng nghề của tỉnh.

Là món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường (huyện Thanh Sơn), từ lâu, thịt chua đã trở thành đặc sản của người dân huyện miền núi này. Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thịt chua Thanh Sơn Hà Thị Ngọc Điệp cho biết, từ khi được chứng nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh, sản phẩm đã được giới thiệu và bày bán tại nhiều điểm du lịch của tỉnh như vườn Quốc gia Xuân Sơn, khu Di tích lịch sử Đền Hùng… cũng như có mặt ở các siêu thị lớn, cung ứng ra thị trường 25 tỉnh, thành trong nước. Trung bình mỗi tháng HTX sản xuất khoảng 20.000 sản phẩm.

Tương tự, sản phẩm đạt chuẩn 4 sao OCOP chè Bát Tiên Long Cốc của HTX sản xuất Chè an toàn Long Cốc (huyện Tân Sơn), khách du lịch đến địa phương có thể tham gia du lịch trải nghiệm đồi chè, tự tay hái chè và được hướng dẫn cách sao chè, đóng gói... như người dân bản địa.

Triển khai nhiều chính sách hỗ trợ

Nhằm thúc đẩy quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP, nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh được triển khai tập trung như giới thiệu trên các trang thương mại điện tử; xây dựng điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP. Giới thiệu các tour, tuyến du lịch, các điểm tham quan, các sản phẩm gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Cùng với đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức các hoạt động văn hóa, ẩm thực, quảng bá du lịch, giới thiệu sản phẩm nông sản tỉnh nhân dịp lễ, tết tại các điểm du lịch nổi tiếng.

Năm 2019, tổng lượng khách du lịch đến tỉnh ước đạt gần 9 triệu lượt, doanh thu khoảng 3.450 tỷ đồng; năm 2020, do tình hình dịch Covid-19, nên lượng khách du lịch đến tỉnh giảm còn trên 1,4 triệu lượt với doanh thu gần 1.500 tỷ đồng. Với lượng khách và doanh thu qua từng năm cho thấy du lịch tỉnh đang được khai thác hiệu quả. Điều này mở ra cơ hội để các địa phương, tổ chức kinh tế khai thác lợi thế sẵn có, xây dựng thành công những sản phẩm OCOP trong nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, đưa những sản phẩm đặc trưng “từ làng ra phố” tới người dân và du khách.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trần Tú Anh cho biết, triển khai hiệu quả Chương trình OCOP gắn với dịch vụ du lịch nông thôn, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân, các tổ chức kinh tế xã hội thấy được giá trị kinh tế, giá trị nhân văn khi tham gia Chương trình OCOP. Các cấp chính quyền chú trọng phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể; vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách, huy động nguồn lực phù hợp để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tạo động lực phát triển phong trào OCOP ngày càng mạnh mẽ. Ưu tiên đầu tư nguồn kinh phí hỗ trợ cho phát triển các sản phẩm OCOP gắn với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.

Cũng theo ông Trần Tú Anh, các địa phương, đơn vị cần tập trung thực hiện trọng tâm là phát triển và tiêu chuẩn hóa sản phẩm. Các cơ quan chuyên trách thực hiện thanh tra, kiểm tra nhãn hiệu, logo của tổ chức cá nhân đã được công nhận sản phẩm OCOP nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm. Ứng dụng thương mại điện tử để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm và thực hiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm, hồ sơ công bố chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Năm 2021, tỉnh tiếp tục rà soát các sản phẩm OCOP đã được xếp hạng để nâng từ 3 sao lên 4 sao; phấn đấu đến năm 2025 có 125 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Tiếp tục hỗ trợ, phát triển du lịch dịch vụ cộng đồng Xuân Sơn; du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô gắn với các điểm tuyến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; đồng thời là điểm giới thiệu, quảng bá và bán các sản phẩm OCOP.

Anh Lương