Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch và bền vững

- Thứ Ba, 26/10/2021, 05:57 - Chia sẻ
Thảo luận tại tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sáng qua, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cơ bản tán thành với sự cần thiết của dự án Luật, nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm phát triển mạnh mẽ, an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế. Các đại biểu cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

ĐBQH Nguyễn Vân Chi (Nghệ An): Chưa rõ định hướng phát triển bảo hiểm nông nghiệp

Ảnh: Q.Khánh

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) chưa dành sự quan tâm đúng mức đến bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp. Hiện nay nước ta mới chỉ thí điểm áp dụng loại hình bảo hiểm này. Chính phủ cũng ban hành Nghị định 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp, quy định nguồn lực hỗ trợ chủ yếu từ ngân sách nhà nước và áp dụng trong từng thời kỳ, tùy thuộc vào khả năng cân đối của ngân sách. Sau đó Thủ tướng Chính phủ mới ban hành quyết định cụ thể về đối tượng được hỗ trợ, loại hình cây trồng, vật nuôi, loại hình kinh doanh thủy sản được hỗ trợ, mức hỗ trợ, thời gian thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, thời gian thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp từ ngày quyết định có hiệu lực đến hết ngày 31.12.2020 và Quyết định số 03/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg ngày 26.6.2019 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp, thời gian thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp từ ngày Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg có hiệu lực đến hết ngày 31.12.2021. Tuy nhiên, cho đến nay, dự thảo Luật vẫn chưa rõ định hướng phát triển cho loại hình bảo hiểm này.

Trong khi đó, bảo hiểm nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp thực sự rất cần thiết, là bệ đỡ rủi ro cho sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm thiểu tổn thất do thiên tai gây ra. Loại hình bảo hiểm này chưa được thực hiện trên cơ sở bảo hiểm thương mại. Do vậy, Chính phủ cần đánh giá lại 3 năm thực hiện Nghị định số 58/2018/NĐ-CP, để đặt ra phương hướng phát triển trong thời gian tới đối với loại hình bảo hiểm nông nghiệp.

ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình): Phải có chính sách thúc đẩy bảo hiểm nông nghiệp

Ảnh: H.Long

Tôi đánh giá cao Quốc hội ngay từ những kỳ họp đầu của nhiệm kỳ, Quốc hội Khóa XV đã đưa dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và tán thành với việc sớm ban hành dự án Luật này là rất cần thiết bởi kinh doanh bảo hiểm là ngành kinh tế đem lại nhiều lợi ích. Trước hết, thị trường kinh doanh bảo hiểm đã tạo công ăn việc làm cho hơn 1 triệu người lao động, với thu nhập ổn định, được đào tạo về chuyên ngành tài chính - bảo hiểm. Ở đây không chỉ là lao động phổ thông mà là lao động chất lượng cao, có chuyên môn về lĩnh vực tài chính. 

Hiện nay, bảo hiểm nhân thọ rất phát triển, nhưng bên cạnh đó, các loại bảo hiểm phi nhân thọ, trong đó có bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm đánh bắt hải sản, bảo hiểm thiên tai… lại chưa đáp ứng được kỳ vọng. Đơn cử, chính sách bảo hiểm nông nghiệp đã được triển khai thí điểm trong hai giai đoạn, từ năm 2011 - 2013 và từ năm 2018 đến nay. Kết quả thực hiện Nghị định 58 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp cho thấy, tổng số hộ nông dân tổ chức sản xuất tham gia bảo hiểm nông nghiệp là 11.115 hộ, bao gồm cả hộ nghèo, cận nghèo; tổng giá trị được bảo hiểm 116 tỷ đồng, tổng số phí bảo hiểm là 4,97 tỷ đồng và tổng giá trị bồi thường là 145 tỷ đồng. Con số này cho thấy kết quả còn khiêm tốn so với nhu cầu và mong muốn của chúng ta.

Dự thảo Luật đã nêu rất rõ chính sách thúc đẩy, tạo thuận lợi, thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm đánh bắt hải sản, bảo hiểm thiên tai... Tuy nhiên, cần quy định mạnh mẽ hơn việc thực hiện các chính sách này, Chính phủ phải có chính sách để thúc đẩy việc tham gia bảo hiểm nông nghiệp, đánh bắt hải sản, thiên tai; đồng thời phải rà soát toàn bộ chính sách để làm rõ tại sao việc thực hiện chính sách này vừa qua chưa đạt được kết quả như mong muốn và quy định rõ thời hạn thực hiện chính sách.

 Dự thảo Luật đã quy định việc phí bảo hiểm được đầu tư vào bất động sản, trái phiếu, cho vay… như thế nào. Tuy nhiên, cần quy định rõ cơ chế phí bảo hiểm được đầu tư cho cơ sở hạ tầng, các cơ sở phục vụ phúc lợi xã hội. Báo cáo của Bộ Tài chính đã chỉ ra, hiện nay không có quy định riêng để doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thực hiện trực tiếp cơ chế này, mà muốn thực hiện thì phải thông qua mua trái phiếu của Chính phủ. Xuất phát từ thực tế này, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu quy định rõ hơn nội dung này trong dự thảo Luật.

ĐBQH Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh): Rà soát, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật

Ảnh: H.Long

Việc sửa đổi toàn diện Luật Kinh doanh bảo hiểm lần này là cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành dịch vụ này trong giai đoạn mới, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA…

Với khoản 4, Điều 3 dự thảo Luật về việc áp dụng tập quán quốc tế nếu tập quán đó không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, thực tế tập quán quốc tế là những tập quán áp dụng lâu đời, được ghi nhận thành các nguyên tắc. Thực tiễn có nhiều loại hình tập quán khác nhau, ví dụ, bảo hiểm vận chuyển hàng hóa thì không có bảo hiểm đối với một số chặng vận chuyển nhất định, chẳng hạn bảo hiểm vận chuyển thép theo đường biển sẽ không có bảo hiểm theo trọng lượng vì khối lượng một thanh thép, cuộn thép có độ dung sai rất cao. Việc quy định áp dụng tập quán quốc tế không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam như trong dự thảo Luật thì không rõ nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam là như thế nào? Có thể hiểu là các nguyên tắc cơ bản theo luật này hay các nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Dân sự, hay các nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp Việt Nam?

Tại Điều 10, về các hình vi bị nghiêm cấm có khoản 5 về việc xúi giục, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm, quy định như dự thảo Luật sẽ khó khả thi, về nguyên tắc đã quy định phải có căn cứ xử lý, tuy nhiên việc chứng minh lại rất khó vì cần có bằng chứng đi kèm mới xử lý được và nếu không chứng minh được thì cũng không xử lý được.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 dự thảo Luật, thì doanh nghiệp bảo hiểm có thể kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 67 của dự thảo thì doanh nghiệp bảo hiểm không được phép kinh doanh đồng thời bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe. Đề nghị cần rà soát, quy định chặt chẽ, bảo đảm thống nhất giữa các quy định.

Về giải thích hợp đồng bảo hiểm, quy định tại Điều 21, khoản 3, quy định như dự thảo là đúng nhằm bảo vệ quyền lợi của bên mua bảo hiểm. Tuy nhiên, quy định này không còn phù hợp với các quy định liên quan tại Điều 121 và Điều 404 Bộ luật Dân sự. Do vậy, cần rà soát để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương): Cần có cơ chế sandbox hoạt động công nghệ bảo hiểm

 

Ảnh: Quang Khánh

Tại Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng lần thứ 4, thì ở khoản 2, mục III có quy định “Cần sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ sản phẩm, dịch vụ mô hình kinh doanh mới, hình thành từ cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4”. Trong hồ sơ dự án Luật đã có trình kèm theo một dự thảo Nghị định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) hoạt động công nghệ bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm.

Tôi đánh giá cao nỗ lực này của Chính phủ. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đang được giao tiến hành nghiên cứu khung thể chế sandbox đối với công nghệ sản phẩm, dịch vụ mô hình kinh doanh mới. Qua khảo sát kỹ lưỡng khu vực ngân hàng thương mại, Ủy ban nhận thấy, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực này được tiến hành rất mạnh, không còn chuyển đổi số mà đã thực hiện sáng tạo số. Với nền tảng công nghệ này, việc ứng dụng công nghệ, sáng tạo trong kinh doanh bảo hiểm là rất cần thiết. 

Tuy nhiên, trong dự thảo Luật không có những quy định mang tính nguyên tắc, làm cơ sở pháp lý để xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết. Do vậy, cần nghiên cứu bổ sung quy định này vào dự thảo Luật nhằm góp phần tích cực thực hiện theo tinh thần chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Hơn nữa, trong lĩnh vực đổi mới, sáng tạo, hiện có nhiều nội dung chúng ta chưa có khung pháp lý điều chỉnh. Ở đây chúng ta mới đang tiến hành thử nghiệm, nếu thử nghiệm thành công thì sẽ có đủ cơ sở đánh giá tác động và đề xuất đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật về những lĩnh vực có liên quan.

Liên quan đến kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ và quản trị rủi ro, dự thảo Luật quy định theo hướng giao cho Bộ Tài chính quy định chi tiết về nội dung này. Nhưng, với một nền kinh doanh trên nền tảng công nghệ 4.0 hiện nay, việc giao cho các cơ quan tự xây dựng cơ chế kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ và quản trị rủi ro trên cơ sở nguyên tắc được cơ quan quản lý nhà nước quy định sẽ phù hợp hơn. Bộ Tài chính chỉ nên quy định một số nguyên tắc về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ và quản trị rủi ro. Trên cơ sở này, các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm xây dựng quy trình, hệ thống thực hiện phù hợp với hoạt động kinh doanh của mình. Không nên để cơ quan quản lý nhà nước can thiệp quá sâu vào hoạt động quản lý của doanh nghiệp, hãy để họ tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh của mình.

Hoàng Ngọc - Hồ Long - Nhật An - Thanh Hải ghi