"Phép thử" của văn hóa liêm chính trong kinh doanh

- Thứ Ba, 28/09/2021, 21:44 - Chia sẻ
Việc tiếp tục nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình chú trọng tích hợp giá trị kinh doanh liêm chính là nền tảng cốt lõi giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, đồng thời có vai trò quan trọng trong việc phục hồi nền kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 tại Việt Nam - là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn trực tuyến “Văn hóa kinh doanh liêm chính: Con đường dẫn tới kinh doanh thành công và vững bền” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức, ngày 28.9.

Covid-19 - "phép thử" của sự liêm chính

Tại Diễn đàn các chuyên gia nhận định, cùng với xu thế hội nhập mạnh mẽ với kinh tế thế giới các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tham gia sâu, rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng thường phải đối mặt với các rủi ro như gian lận, hối lộ, thiếu minh bạch trong hoạt động và các giao dịch kinh doanh. Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên rộng tại nhiều quốc gia thì nó có thể gia tăng rủi ro đáng kể cho các hành vi vi phạm đạo đức ở mức độ cao hơn, đồng thời gây tác động tiêu cực, tạo rào cản đối với doanh nghiệp để theo đuổi kinh doanh liêm chính và duy trì sự thành công trong dài hạn. Tổng Thư ký VCCI Nguyễn Quang Vinh phân tích, dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn như phải làm việc từ xa, suy giảm lực lượng lao động, gián đoạn kỹ thuật hoặc quá tải do tăng khối lượng công việc nhưng vẫn phải bảo đảm tính liên tục trong kinh doanh. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong quản trị lao động, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu... Tất cả những yếu tố trên đã tạo áp lực đáng kể tới việc bảo đảm tính liêm chính trong kinh doanh.

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không ít đến các doanh nghiệp Việt
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp
Ảnh: ITN

Đại dịch Covid-19 có xu hướng gây rủi ro đáng kể cho các hành vi vi phạm đạo đức ở mức độ cao hơn đồng thời gây tác động tiêu cực, tạo rào cản đối với doanh nghiệp để theo đuổi kinh doanh liêm chính. Để bảo đảm tính công bằng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp chung tay hành động để nâng cao tính liêm chính trong kinh doanh. Bởi, “liêm chính là nền tảng giúp tương tác giữa các doanh nghiệp và các nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Các doanh nghiệp cũng được khuyến nghị tích cực tham gia vào những sáng kiến như xây dựng mạng lưới doanh nghiệp liêm chính Việt Nam, nhằm cho phép các công ty giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau hợp tác để tăng cường quản trị công ty hướng tới sự bền vững lâu dài. Doanh nghiệp dù ở quy mô nào, lớn hay nhỏ muốn vượt qua khó khăn hướng tới phát triển bền vững trong dài hạn cần chú trọng tích hợp giá trị kinh doanh liêm chính là nền tảng cốt lõi, bởi liêm chính sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao tính tự cường, khả năng chống chọi, thu hút, giữ chân khách hàng, sự quan tâm của các nhà đầu tư chân chính, chiêu mộ nhân tài làm việc tại công ty, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn lớn như hiện nay. 15 Hiệp hội Doanh nghiệp với hơn 13.000 thành viên đã ký vào Bản cam kết kinh doanh liêm chính để thể hiện cam kết về sự tuân thủ, tính liêm chính và minh bạch của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.

Tổng Thư ký VCCI Nguyễn Quang Vinh
Tổng Thư ký VCCI Nguyễn Quang Vinh

Cũng theo ông Vinh, Covid-19 là "phép thử" về "sức khỏe" của doanh nghiệp, đồng thời cũng là "phép thử" cho tính liêm chính. Điều mà các công ty có thể làm để bảo vệ mình chính là một chương trình liêm chính doanh nghiệp trước sự ứng phó với các thách thức.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Marcus Winsley cũng nhận định: Tôi tin rằng, một môi trường kinh doanh hiệu quả phải bắt nguồn từ việc quản trị minh bạch, là yếu tố quan trọng để thúc đẩy các khoản đầu tư song phương và quan hệ đối tác thương mại lâu dài giữa Vương quốc Anh và Việt Nam. Vương quốc Anh đánh giá cao việc kết hợp các nguyên tắc đạo đức và liêm chính vào quản trị công ty bởi nó từ lâu đã không chỉ dừng lại ở vấn đề về xây dựng thương hiệu doanh nghiệp. Sự kết hợp này hình thành một giá trị rộng lớn và bền vững hơn không chỉ về mặt lợi nhuận mà còn về việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến xã hội.

Liêm chính giúp doanh nghiệp phát triển bền vững

Tại Diễn đàn các chuyên gia cũng nhất trí rằng, với sự chung tay, góp sức của mỗi cá nhân doanh nghiệp trong công cuộc phòng, chống tham nhũng sẽ đem lại diện mạo mới với nhiều thay đổi tích cực và hiệu quả cho môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Việc chung tay xây dựng văn hóa kinh doanh liêm chính sẽ giúp doanh nghiệp Việt tham gia hội nhập quốc tế, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung cầu toàn cầu để trở thành những đối tác chiến lược và tin cậy của các tập đoàn kinh tế đa quốc gia.

Phó Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam Patrick Haverman chia sẻ, các công ty cam kết liêm chính, minh bạch và đầu tư vào các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm và bền vững sẽ có khả năng chống chọi tốt hơn với các cuộc khủng hoảng như đại dịch Covid-19 và sẽ đạt được thành công lâu dài. Việc tiếp tục nâng cao tính minh bạch, liêm chính, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi nền kinh tế - xã hội sau Covid-19.

Diễn dđan diễn ra fươi shìn htức trực tuyến
Diễn đàn diễn ra với hình thức trực tuyến

Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ Phí Ngọc Tuyển cho hay, năm 2020 Chính phủ ban hành Nghị quyết 136/NQ-CP về phát triển bền vững. Theo đó, nỗ lực xây dựng một cộng đồng kinh doanh liêm chính và trật tự xã hội là một trong những mục tiêu cần hướng tới và cũng là yêu cầu rất quan trọng mà Chính phủ đang triển khai theo Luật Phòng, chống tham nhũng. Phòng và chống tham nhũng trong khu vực tư nhân ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết bởi một môi trường kinh doanh cải cách, đổi mới và cởi mở không thể thiếu yêu cầu này. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra do dịch Covid-19, nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn nỗ lực không ngừng để đẩy nhanh và mạnh mẽ không chỉ tốc độ kinh doanh mà còn cả chất lượng và đạo đức kinh doanh vì môi trường kinh doanh ổn định, bền vững hơn”, ông Tuyển nhận định.

Đức Hiệp