Phi Châu không xa

- Chủ Nhật, 26/09/2021, 07:13 - Chia sẻ
Hai cuốn sách đầu tiên thuộc "Tủ sách châu Phi" vừa mới ấn hành đưa ta đến một châu lục đã được khai phá, đã bị thực dân hóa, đã chìm trong những vấn đề của thời đại, nhưng có một lịch sử cực kỳ phong phú, đa dạng và sinh động.

Hồi bé, tôi rất hay nghêu ngao ngâm hai câu thơ trong một vở kịch chiếu trên truyền hình: “Hết ngày dài, lại đêm thâu/ Chúng ta đi trên đất Phi châu”. Phi châu ngày ấy là một khái niệm vừa gần lại vừa xa. Gần, bởi từ nhỏ, tôi đã nằm dài trên một tấm bản đồ thế giới to bằng cả cái chiếu để ngắm các châu lục, các đất nước, những thành phố, và hình dung một ngày nào đó mình sẽ lang thang trên những vùng đất ấy. Xa, bởi đất nước lúc ấy còn đang nghèo đói và bị cấm vận, ngày đi ra thế giới biết đến bao giờ.

Rồi lớn lên cũng đi ra thế giới, đặt chân đến châu Phi và xúc động nhớ lại những ngày xưa cũ nằm trên tấm bản đồ ngắm hình dạng châu lục ấy, chỉ ngón tay vào từng nước và đọc tên, rồi nhớ, và sau đó biết đến châu Phi qua những cuốn sách về Ai Cập, những tác phẩm văn học in trên giấy đen như “Trên sa mạc và trong rừng thẳm” của Henryk Sienkiewicz. Châu Phi đẹp đẽ, hoang dã, rộng lớn và đem đến rất nhiều cảm xúc, nhưng cũng rất nghèo đói, rất chênh lệch giàu nghèo và có biết bao vấn đề cần giải quyết. Rời châu Phi rồi vẫn muốn trở lại. Đấy là một nơi đáng để đi, đáng để khám phá, và sau khi đọc xong mỗi cuốn sách về châu lục này, lại không khỏi nể phục các tác giả, phục những người đã lên đường khám phá nơi ấy nhiều thế kỷ trước, và lại thèm lên đường.

Nguồn: ITN

Có điều, thế giới đã rộng mở, cơ hội đi ra cũng lớn, nhưng hiểu biết chung của chúng ta về thế giới nói chung và châu Phi nói riêng còn ít quá. Cách đây chưa lâu, tôi có làm một thăm dò nho nhỏ về châu Phi với 10 sinh viên ngành báo chí, du lịch và quan hệ quốc tế. Đa phần các bạn trả lời “không biết gì” và “biết rất ít”, với lý do có quá ít tài liệu bằng tiếng Việt về châu lục này, và mối quan tâm chính của họ vẫn là Âu - Mỹ. Đấy là lý do tại sao tôi rất ủng hộ việc các nhà xuất bản cho ra đời những tủ sách về thế giới, không phải là những cuốn sách kiểu hư cấu, mà là sách chuyên khảo về khám phá, tìm hiểu văn hóa, lịch sử, con người, thời đại của các châu lục. 

Mới nhất, là 2 cuốn đầu tiên thuộc Tủ sách châu Phi do nhà sách Omega Plus ấn hành, gồm: "Phi châu thịnh vượng - Lịch sử 5 nghìn năm của sự giàu có, tham vọng và nỗ lực” và “Red Nile: tiểu sử của dòng sông vĩ đại nhất thế giới”. Hai cuốn sách dày nhưng rất dễ đọc vì cực kỳ lôi cuốn, bởi các tác giả đã đưa ta đến một châu lục đã được khai phá, đã bị thực dân hóa, đã chìm trong những vấn đề của thời đại, nhưng có một lịch sử cực kỳ phong phú, đa dạng và sinh động. Chẳng phải châu Phi đã là một trong những cái nôi của loài người, chẳng phải Nile là con sông dài nhất thế giới, chẳng phải đến giờ chúng ta vẫn tìm hiểu về vùng đất ấy, bởi thấy nó vẫn còn bí hiểm hay sao?

Đi ra thế giới là một nhu cầu lớn của con người. Loài người đã di chuyển từ hàng biết bao nhiêu thế kỷ nay. Trong một thế giới đầy biến động nhưng cũng không ít cơ hội, trong đó có cơ hội đi, thì những cuốn sách thế này cung cấp một bề sâu thông tin để khi đặt chân đến một vùng đất mới, chúng ta đã cơ bản hiểu nó, biết nó, ngấm mình vào nó và nhận ra việc ta có mặt ở đó quan trọng thế nào trong cuộc đời mình...

Anh Ngọc