Cà phê phin

Phía cuối con đường

- Chủ Nhật, 24/10/2021, 06:46 - Chia sẻ
Tin rằng, việc tránh né nhắc đến cái chết đem lại nhiều tác hại cho tâm lý hơn là sự tích cực, phong trào này khuyến khích mọi người cởi mở hơn và thoải mái hơn khi nói về cái chết.

Một tối tháng 9, có 7 người tập trung trong một căn phòng ở Washington DC, Mỹ. Có người trẻ mới 20 tuổi, cũng có người đã bước vào tuổi 70 và họ làm nhiều nghề khác nhau, có mặt ở đây trong một khóa học viết khá đặc biệt: Viết cáo phó cho chính bản thân. 

Người tổ chức lớp là Sarah Farr, một chuyên gia về lĩnh vực hỗ trợ tâm lý cho những người cận kề cái chết. Bốn năm trước, cô lập ra tổ chức Death Positive và bắt đầu tổ chức chuỗi sự kiện “cafe về cái chết”. Trong những buổi gặp mặt ấy, mọi người cùng chia sẻ suy nghĩ của mình về cái chết, và rồi họ cùng viết ra những lời cáo phó cho chính họ. Trong buổi học, Sarah chia sẻ rất nhiều những cáo phó được viết ra với giọng điệu rất vui vẻ, hài hước.

 Lớp học viết cáo phó ấy nằm trong một trào lưu khá phát triển ở các nước phương Tây trong những năm qua, với tên gọi “phong trào chết tích cực”. Tin rằng, việc tránh né nhắc đến cái chết đem lại nhiều tác hại cho tâm lý hơn là sự tích cực, phong trào này khuyến khích mọi người cởi mở hơn và thoải mái hơn khi nói về cái chết. Trên thực tế, tất cả bắt đầu từ năm 2011, khi Jon Underwood, người sau đó qua đời ở tuổi 44, lập ra quán “cafe về cái chết” đầu tiên ở tầng hầm nhà mình tại London. Anh tổ chức ở đó những cuộc gặp gỡ với mọi người để nhằm giúp họ cảm thấy thoải mái hơn khi đối mặt với cái chết mà chúng ta không thể nào tránh được.

Sau khi Underwood và mẹ anh xuất bản một cẩm nang hướng dẫn mở các quán “cafe về cái chết”, ý tưởng nhân văn này lan tỏa khắp nơi, và cho đến nay, đã có gần 10.000 quán cafe kiểu đó được mở ở 66 quốc gia, nơi bất cứ ai cũng có thể đến, làm quen với những người khác và trong lúc uống cafe, có thể chia sẻ với nhau những suy nghĩ về cuộc sống và cái chết. Sarah Farr cũng có một quán như thế, và trong những năm qua, số lượng người đến đây đã tăng nhanh. Những khóa học về viết cáo phó cho bản thân mà cô mở ra cũng luôn thu hút nhiều người tham gia.

 Ở lớp học vào tháng 9 như thế, sau 20 phút kể từ khi Sarah cho các học viên tự viết cáo phó cho mình, cô tập hợp cả lớp lại. Một học viên 60 tuổi là người đầu tiên chia sẻ những gì bà đã viết. “Tôi đã chết rồi”, bài cáo phó mở đầu như thế. “Nhưng ít ra tôi cũng đã sống một cuộc đời, và như thế vẫn có ích còn hơn không”. Bà ngừng lại một chút, và rồi rất trìu mến, bà nhìn khắp căn phòng và đọc tiếp. “Nhưng tôi hạnh phúc vì đã được sống, và mẹ tôi, với phúc lành của bà ngoại tôi, đã quyết định không từ bỏ tôi, mà giữ cái thai, và đẻ tôi ra. Tôi sinh ra và trở thành một người mạnh mẽ. Tôi đoán là tôi đã chết khi tạo hóa hoặc Chúa gọi tôi quay về”.

Một người có tuổi khác tên là Chris là người tiếp theo. Ông đọc: “Chris qua đời trong một tai nạn ô tô ngày 1.11.2020, chín ngày trước sinh nhật của mình. Ông 75 tuổi. Ông là một người dễ tính, hài hước và thỉnh thoảng cũng hơi quá chén một tí, nhưng chưa bao giờ gây rắc rối cho bất cứ ai”. Ông dừng lại và rồi hỏi mọi người nghĩ gì về bài cáo phó này. Mỗi người góp ý một chút, rồi sau đó Sarah lại cho mọi người viết tiếp. 

Đối với những người trung tuổi hoặc cao tuổi, việc viết cáo phó được coi như một bài tập cho chính cái chết trong tương lai của họ. Một học viên 40 tuổi khẳng định rằng, việc tham gia viết cáo phó chính là “cơ hội để định hình cuộc sống trong nửa phần đời còn lại của tôi. Tôi vẫn còn vài chục năm nữa để sống. Khi biết mình không tránh khỏi cái chết, tôi muốn phần đời ấy sẽ trông như thế nào”.

Đó là câu chuyện được nhật báo Seattle Times, Mỹ, đăng tải. Tất cả chúng ta đều phải chết. Chết là điều duy nhất chúng ta không thể tránh khỏi trong đời. Và thay vì sợ hãi đề cập đến nó, thay vì nghĩ rằng đấy là điềm gở, hãy nhìn thẳng vào phần sau của cuộc đời và mỉm cười: "Cái chết ạ, tớ không sợ cậu, nhưng tớ sẽ học cách sống chung với những nỗi lo lắng, sợ hãi, những băn khoăn của cuộc đời này cùng với cậu. Rồi cuối cùng thì tớ sẽ nhìn thấy cậu với lòng nhẹ nhõm, bởi tớ đã quen với cậu...".

 Khi ta sống tốt hơn, nghĩ tốt hơn, làm nhiều điều tốt hơn, ta cảm thấy cuộc đời này vô cùng có ý nghĩa và ta sống có ích. Để rồi khi gặp cái chết ở cuối con đường, ta cảm thấy vui vẻ, không nuối tiếc điều gì.

Anh Ngọc