Phía sau lời “xin lỗi”...

- Thứ Bảy, 21/08/2021, 09:21 - Chia sẻ
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã yêu cầu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nhanh chóng rà soát, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về số lượng hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu hiện nay còn tồn đọng. Đồng thời, thực hiện xin lỗi Nhân dân trên địa bàn bằng văn bản để công bố công khai trên phương tiện truyền thông đại chúng vì đã để xảy ra việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý vi phạm quy định về giải quyết thủ tục hành chính gây bức xúc cho Nhân dân.
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công TP. Quảng Ngãi. Nguồn: baoquangngai.vn

Điều này cho thấy sự quyết liệt của người đứng đầu tỉnh nhằm chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, trong đó có giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai.

Thực hiện yêu cầu này, Chủ tịch UBND TP. Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) Hà Hoàng Việt Phương đã thay mặt UBND TP. Quảng Ngãi xin lỗi người dân vì chậm trễ giải quyết thủ tục hành chính trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu của các hộ gia đình, cá nhân.

Trong năm 2020, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh - Chi nhánh TP. Quảng Ngãi tiếp nhận, giải quyết 2.480 hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu; trong đó đã giải quyết 632 hồ sơ, giao trả 988 hồ sơ không đủ điều kiện cho công dân và 860 hồ sơ đang giải quyết (có 744 hồ sơ trễ hẹn từ năm 2020 trở về trước). Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trễ hẹn chiếm đến hơn 90%. Để xảy ra tình trạng chậm giải quyết thủ tục hành chính trong công tác cấp Giấy chứng nhận gây phiền hà và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi chân thành xin lỗi các hộ gia đình, cá nhân liên quan đến 744 hồ sơ trễ hẹn và mong nhận được sự cảm thông, chia sẻ của người dân.

Để khắc phục sự chậm trễ này, UBND thành phố Quang Ngãi đã tập trung chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương giải quyết dứt điểm 744 hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu còn tồn đọng trong năm 2020 trở về trước và đến nay đã cơ bản hoàn thành và trả kết quả cho công dân; yêu cầu xử lý hồ sơ tiếp nhận năm 2021 đúng thời gian quy định, không để xảy ra tình trạng hồ sơ trễ hẹn. Ngoài ra, UBND thành phố cũng tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có vi phạm trong thực hiện thủ tục hành chính về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân…

Thực tế cho thấy, giải quyết thủ tục hành chính nói chung, thủ tục đất đai nói riêng bị trễ hẹn đã trở thành “chuyện cơm bữa”. Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019, Ủy ban Tư pháp đã chỉ rõ, còn tình trạng thủ tục hành chính kéo dài, người dân phải đi lại nhiều lần để giải quyết. Dẫn Báo cáo chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức, đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS 2018), Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng cho biết, tỷ lệ trễ hẹn của cơ quan nhà nước đối với người dân trong giải quyết thủ tục hành chính khá cao. Đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có tỷ lệ trễ hẹn ở lĩnh vực đất đai lên đến 17,55%, trung bình cả nước ở lĩnh vực đất đai trễ hẹn cũng chiếm tỷ lệ cao nhất trong các lĩnh vực, chiếm 12,3%.

Không phủ nhận rằng, lĩnh vực đất đai là lĩnh vực phức tạp bởi có cả “rừng thủ tục” liên quan. Vì thế mà việc giải quyết thủ tục hành chính bị chậm trễ. Tuy nhiên, không loại trừ cán bộ, công chức thiếu đạo đức công vụ đã lợi dụng “rừng thủ tục” này để làm khó người dân, doanh nghiệp. Nếu ai không có “chi phí bôi trơn” thì hồ sơ sẽ bị “ngâm” dài dài. Và trong số những hồ sơ trễ hạn không loại trừ từ nguyên nhân tiêu cực này.

Theo điều 37, Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính quy định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã phải xin lỗi cá nhân, tổ chức khi cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền vi phạm các quy định về những hành vi không được làm trong giải quyết thủ tục hành chính, trong đó có kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính, gây bức xúc cho Nhân dân.

Dù pháp luật quy định là vậy, nhưng thực tế khi tình trạng “ngâm” hồ sơ xảy ra, cá nhân có trách nhiệm rất thiếu chủ động trong việc thực hiện xin lỗi người dân, trừ khi bị nhắc đích danh đến tên.

“Xin lỗi” là thể hiện văn hóa ứng xử không thể thiếu trong thực thi công vụ. Khi biết nói lời xin lỗi với người dân, doanh nghiệp là cơ quan hành chính, người có thẩm quyền ý thức rõ được nhiệm vụ của mình chưa hoàn thành. Và lời xin lỗi ấy vừa thừa nhận về sự chậm trễ, nhắc nhở trách nhiệm nhưng cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự chia sẻ, thấu hiểu với người dân về sự chậm trễ trong quá trình giải quyết hồ sơ.

Để xảy ra tình trạng “ngâm” hồ sơ gây bức xúc, người có trách nhiệm phải xin lỗi người dân. Nhưng điều người dân cần đó là cán bộ, công chức, viên chức nhìn vào “lỗi” ấy, rút kinh nghiệm để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Cần nhấn mạnh rằng, người dân rất cần lời xin lỗi từ người có trách nhiệm, nhưng lời xin lỗi chỉ có giá trị khi thể hiện được quyết tâm hành động bởi những phương án, thời gian giải quyết cụ thể đối với hồ sơ tồn đọng. Lời xin lỗi là cơ sở để người dân giám sát cán bộ, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước. Đồng thời, là cơ sở để đánh giá mức độ hài lòng, tín nhiệm của người dân, doanh nghiệp đối với đội ngũ cán bộ, công chức khi giải quyết các thủ tục hành chính. Đừng để người dân, doanh nghiệp mất niềm tin chỉ vì lời “xin lỗi suông”!

Hà An