Cà phê phin

Phía sau một bức ảnh

- Chủ Nhật, 20/06/2021, 06:02 - Chia sẻ
Kể cả lòng tốt, cũng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng…
Nguồn: ITN

Hình như, thỉnh thoảng chúng ta vẫn lầm tưởng rằng có một thứ quyền được đính kèm với sự quan tâm: Quyền nói, hay làm điều gì đó can hệ đến người khác mà không cần suy xét đến lợi ích cũng như tâm tư sâu kín của họ.

Như là, khi chúng ta tham gia một chuyến thăm thiện nguyện, tặng quà và chụp ảnh cùng các em nhỏ, người già, bệnh nhân để đăng báo hay mạng xã hội. Việc chúng ta đăng ảnh công khai có thể hoàn toàn vô vị lợi hoặc vì mục đích tốt đẹp như chia sẻ tình thương, khơi gợi và thúc giục lòng nhân ái của người khác, kêu gọi sự giúp đỡ… Do vậy, thường thì chúng ta không suy nghĩ quá nhiều trước khi đăng một bức ảnh, nhất là khi ta tin rằng mình chỉ đang bày tỏ lòng thương và sự đồng cảm, chứ không phải khoe khoang hay bêu xấu. Nhưng, kể cả cứu cánh đẹp đẽ nhất cũng không thể biện minh cho phương tiện. 

Trong những bức ảnh, bên cạnh nụ cười yên ủi và cái nhìn đầy quan tâm của ta - người đang làm điều tốt đẹp với sự chân thành - là đôi mắt mệt mỏi, gương mặt cam chịu, thân thể rã rời của người bệnh, của đứa trẻ, đôi khi hoàn toàn trần trụi, với dây chuyền ống thở xung quanh.

Có bao giờ ta nhìn họ và tự hỏi, những người đang nhận được sự quan tâm nhiệt thành này của ta, họ có thực sự muốn xuất hiện trước mắt người đời với dáng vẻ đó trong thời khắc đó? Ai trong chúng ta muốn mình xuất hiện trên các trang báo và mạng xã hội trong hình ảnh tương tự? Ai trong chúng ta muốn nhận ơn huệ khi ta ở trong trạng thái không thể từ chối mà sau đó lại không thể thoát khỏi ơn huệ đó? 

Vì sao chúng ta luôn kêu đòi bảo mật thông tin và hình ảnh cá nhân? Vì có những hình ảnh tình cờ ghi lại một khoảnh khắc dễ tổn thương của ta. Và việc hàng vạn người khác cũng chứng kiến khoảnh khắc đó - không cách gì ngăn được - sẽ khiến ta tổn thương thực sự. 

Nếu ta ngỏ lời, chắc hẳn những người đang thụ nhận hảo tâm của ta sẽ khó lòng từ chối việc xuất hiện trong các bức ảnh. Họ có thể nghĩ rằng khước từ là vô ơn. Họ cũng có thể quá mệt mỏi và không nhận ra rằng họ có quyền từ chối xuất hiện như một chứng tích cho lòng nhân ái của người khác. Cũng có thể, họ thuận tình khi còn chưa kịp suy xét về hệ quả của điều đó, cho đến mãi về sau.

Cho đến mãi về sau...

Những hình ảnh ghi lại các khoảnh khắc thụ động và dễ tổn thương của ai đó (biết đâu, có thể của chính chúng ta?) không chỉ là thông tin thuần túy, không chỉ khơi dậy cảm xúc của những người quan sát. Trên hết và trước hết, chúng sẽ khởi lên cảm xúc, trở thành ký ức, và mãi mãi là một mảnh tâm hồn của chính người đó, hiển hiện trong rất nhiều năm tháng về sau. Có quá nhiều minh chứng cho ta biết rằng, những tổn thương hiện tại đã bắt nguồn từ quá khứ. Vậy thì những tổn thương ở tương lai của ai đó có thể khởi nguồn từ giây phút này lắm chứ? Khi ta nhấn nút đăng tải một hình ảnh riêng tư trong trạng thái thụ động của họ mà không suy xét kỹ - dù họ cho phép hay không. 

Đã biết như thế, lẽ nào chúng ta không cẩn trọng hơn với những việc can hệ đến cuộc đời và phẩm giá người khác hay sao? Lòng yêu thương và sự quan tâm - kể cả vô vị lợi - không hề đính kèm cho ta cái quyền hành xử tùy tiện với sự riêng tư và phẩm giá của người khác. 

Rõ ràng, mỗi con người trước mắt ta đâu chỉ tồn tại một gương mặt hay một cơ thể, mà luôn có một tâm hồn đang thổn thức bên trong. Cho nên, đối với những người đang ở trong tình trạng thụ động và dễ tổn thương: Một bệnh nhân đang trong hoàn cảnh ngặt nghèo, một em bé, một người điên đang mất đi lý trí, một người chưa nhận thức được quyền của chính họ... nghĩa vụ của những người tỉnh táo, hiểu biết, có suy xét và đang được tự do lựa chọn như chúng ta chẳng phải là lựa chọn một phương cách có thể bảo vệ cả thể xác lẫn tâm hồn họ hay sao?

Đừng cho rằng những lời nói, hành động “vô tư” hay “vô vị lợi” của mình luôn đồng nghĩa với vô hại. Thuốc bổ uống không khéo sẽ gây ngộ độc. Kể cả lòng tốt, cũng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.

Đông Vy