Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự Hội nghị thẩm tra sơ bộ Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập

- Thứ Năm, 09/09/2021, 18:58 - Chia sẻ
Ngày 9.9, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị thẩm tra sơ bộ Đề án “Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2045” do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy chủ trì Hội nghị.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, ngày 11.11.2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 124/2020/QH14, trong đó giao Chính phủ xây dựng Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2045 để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp cuối năm 2021. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã có Tờ trình số 317/TTr-CP về Đề án trên. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra nội dung này, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 9 này trước khi trình Quốc hội.

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, thực hiện Nghị quyết số 124/2020 QH14, Bộ được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành xây dựng Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045.

Quang cảnh Hội nghị

Theo thống kê, tổng nhu cầu nước hàng năm hiện nay khoảng 101 tỷ mét khối, dự báo đến năm 2030 cần khoảng 111 tỷ mét khối, năm 2045 khoảng 130 tỷ mét khối (nông nghiệp khoảng 83 - 85%, sinh hoạt 2 - 3%, công nghiệp 5 - 6%, môi trường 8 - 9%). Nông nghiệp vẫn là ngành sử dụng nước nhiều nhất trong tương lai nhưng nhu cầu sử dụng nước tăng ít hơn so với công nghiệp (tăng 160%), và đô thị (tăng 85%). Hiện cả nước có 7.808 đập, hồ chứa nước với tổng dung tích khoảng 70,5 tỷ mét khối, trong đó: 6.750 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích trữ khoảng 14,5 tỷ mét khối; 466 hồ thủy điện với tổng dung tích trữ 56 tỷ mét khối nếu xảy ra sự cố vỡ đập sẽ dẫn đến thảm họa quốc gia... Công tác bảo trì chưa được quan tâm thường xuyên nên công trình bị hư hỏng, xuống cấp, suy giảm công năng phục vụ và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Hiện nay nguồn nước đang được nhiều bộ, ngành cùng tham gia quản lý, cơ chế phối hợp còn bất cập. Chính vì vậy, việc xây dựng Đề án là hết sức cần thiết. Đề án gồm 6 quan điểm, 12 nhiệm vụ, giải pháp nhằm hướng đến mục tiêu bảo đảm chủ động được nguồn nước cấp cho các ngành kinh tế, hạn chế phụ thuộc vào nguồn nước từ nước ngoài; bảo đảm chất lượng nước; phòng chống tác hại do nước gây ra. 

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu

Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao Ban soạn thảo Đề án đã chuẩn bị tương đối công phu, nội dung bám sát chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới nhất của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội. Thực tế hiện nay, quản lý, sử dụng một cách tổng thể về nguồn nước chưa bảo đảm phát triển bền vững. Việc tích trữ nước các hồ thủy điện, nhất là các hồ thủy điện được xây dựng 30 - 50 năm trước đang xuống cấp, sử dụng khai thác nước chưa tiết kiệm và hiệu quả... Đây là những khó khăn, thách thức trong bảo vệ các hệ sinh thái nước ngọt, hệ sinh thái biển và các hệ sinh thái liên quan đến bảo vệ an ninh nguồn nước và quản lý an toàn hồ đập.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, đây là vấn đề quan trọng đã được Quốc hội Khóa XIV quan tâm thực hiện giám sát chuyên đề; đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan của Chính phủ trong việc chủ trì xây dựng Đề án theo đúng Nghị quyết của Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị trên cơ sở các ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổng hợp các ý kiến, sớm hoàn thiện Đề án.

Cơ bản nhất trí với đề xuất ban hành Nghị quyết về Đề án, Phó Chủ tịch Quốc hội gợi mở cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục phối hợp với Ban soạn thảo, các đơn vị có liên quan chuẩn bị kỹ lưỡng hơn nữa về nội dung, nhất là cơ sở pháp lý và thực tiễn, đúng trình tự, phải nêu bật được tính cấp thiết, cấp bách an ninh nguồn nước, đập, hồ chứa nước; kinh nghiệm quốc tế; vai trò Quốc hội các nước trong giải quyết vấn đề an ninh nguồn nước hiện nay.

Chí Tuấn