Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự hội thảo về cơ cấu lại nền kinh tế

- Thứ Sáu, 24/09/2021, 18:00 - Chia sẻ
Chiều 24.9, tại Nhà Quốc hội, với sự hỗ trợ của Tổ chức Rosa Luxumburg Stiftung, Ủy ban Kinh tế phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến với Dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và phát biểu tại Hội thảo.

Tham dự hội thảo có khoảng 50 đại biểu là Thường trực Ủy ban Kinh tế; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện một số bộ, ngành và các chuyên gia.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại Hội thảo  

Phát biểu khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Hội thảo được tổ chức để chuẩn bị cho thẩm tra Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 (dự thảo Kế hoạch) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 4 tới đây và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai. Do vậy, mong muốn nhận được ý kiến của các chuyên gia đánh giá kết quả thực hiện một số nội dung theo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020; nhận diện khách quan và chính xác các kết quả tích cực đạt được và những hạn chế, tồn tại, từ đó làm cơ sở để xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đối với từng nội dung cụ thể của dự thảo Kế hoạch này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu khai mạc Hội thảo  

Cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch, các chuyên gia cho rằng, cần đánh giá kỹ lưỡng việc không hoàn thành mục tiêu thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ở những lĩnh vực không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn, thoái vốn Nhà nước xuống mức sàn quy định với các ngành mà Nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư. Về phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nhiều ý kiến nhấn mạnh, viêc Quốc hội ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư... đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân ở nước ta. Đây không chỉ là điều kiện giúp tăng về số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký trong giai đoạn trước mà sẽ giúp thực hiện các mục tiêu liên quan được dự thảo Kế hoạch đưa ra. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch Covid – 19, dự kiến số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Do vậy, bên cạnh việc nghiên cứu giữ nguyên hay điều chỉnh mục tiêu về số lượng doanh nghiệp hoạt động trong giai đoạn 2021 – 2025, theo một số chuyên gia, cần xác định nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả và bền vững.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao việc Ủy ban Kinh tế và Viện Nghiên cứu lập pháp đã phối hợp tổ chức hội thảo với sự tham gia của những chuyên gia hàng đầu, đóng góp các ý kiến thiết thực cho dự thảo Kế hoạch nêu trên. 

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự thảo Kế hoạch cơ bản bám sát các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng. Tuy nhiên, dự thảo Kế hoạch cần được tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm cơ cấu lại nền kinh tế thực chất hơn, hiệu quả hơn, bảo đảm hoàn thành cơ cấu lại 3 lĩnh vực trọng tâm giai đoạn trước chưa hoàn thành và các nhiệm vụ quan trọng khác trong giai đoạn tới. Đồng thời, cần lấy hoàn thiện thể chế về chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo làm đột phá; huy động hiệu quả hơn mọi nguồn lực cho phát triển; phát triển vùng, liên kết vùng, gắn kết tăng trưởng kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng – an ninh, và đặc biệt bảo đảm đa số người dân được hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng.

Đặt cơ cấu lại nền kinh tế trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid – 19, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần bám sát bối cảnh của đại dịch để có giải pháp xây dựng các kịch bản phù hợp hơn, dự báo tốt hơn tình hình trong nước và thế giới, sẵn sàng đối phó với các tình huống phát sinh để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, gắn với thực hiện 3 nhiệm vụ chiến lược 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng.

P.Thủy