Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự Phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế

- Thứ Ba, 28/09/2021, 19:22 - Chia sẻ
Chiều 28.9, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã dự Phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban Kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại Phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại Phiên họp

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì Phiên họp. Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban: Xã hội, Tài chính - Ngân sách, Quốc phòng - An ninh, Pháp luật, Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Bảo đảm chất lượng các nội dung trình Quốc hội

Phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban Kinh tế diễn ra từ chiều ngày 28.9 đến ngày 30.9 để thẩm tra: dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025; dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế tin tưởng, với sự tham gia tích cực của các đại biểu, sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các cơ quan hữu quan sẽ góp phần bảo đảm chất lượng các nội dung trình Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại Phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại Phiên họp

Trong ngày làm việc đầu tiên, Ủy ban Kinh tế đã tiến hành thẩm tra dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Tờ trình dự án Luật do Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trình bày cho biết, Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó: “Phát triển cân bằng, đồng bộ thị trường tài chính... Phát triển thị trường bảo hiểm, thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, tư vấn thuế, thẩm định giá..”. Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Trong đó, đã nêu nhiệm vụ “Hoàn thiện các pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm. Khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu quy định tư trở lại nền kinh tế. Nâng cao năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm thực hiện hiệu quả các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Phiên họp
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Phiên họp

Ông Nguyễn Đức Chi cũng cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành đã bộc lộ một số bất cập, không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Dân sự. Một số nội dung chưa có căn cứ áp dụng trong thực tiễn như thẩm quyền, quy trình xử lý doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính…. Một số, quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chưa theo kịp thông lệ quốc tế như: quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ… Do đó việc sửa đổi này là cần thiết để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và các chủ trương mới của Đảng về lĩnh vực này. 

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 8 chương, 156 điều. Dự thảo Luật đã bám vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 7 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 31.12.2019. Cụ thể là những quy định chung; hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; bảo hiểm vi mô; đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; quản lý tài chính doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; quản lý nhà nước về doanh nghiệp bảo hiểm.

Cần cơ chế thu hút doanh nghiệp tham gia bảo hiểm vi mô

Cho ý kiến về bảo hiểm vi mô (Chương IV), nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua việc thí điểm thực hiện hoạt động bảo hiểm vi mô đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, cơ quan soạn thảo cần thuyết minh, làm rõ cơ sở, sự cần thiết của việc luật hóa các quy định về bảo hiểm vi mô, trong đó làm rõ yêu cầu lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận của hoạt động bảo hiểm này; tổng kết, đánh giá đầy đủ về tính hiệu quả của việc thí điểm thực hiện hoạt động bảo hiểm vi mô trong thời gian qua… 

Các đại biểu phát biểu tại Phiên họp
Các đại biểu phát biểu tại Phiên họp

Theo dự thảo Luật, “bảo hiểm vi mô là loại hình bảo hiểm dành cho các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản trước những rủi ro có thể xảy ra” (Khoản 1, Điều 114). Trong khi đó, Điều 8 dự thảo Luật quy định có 3 loại hình bảo hiểm là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khoẻ. Đồng thời, theo giải trình của Chính phủ, các sản phẩm bảo hiểm vi mô có thể thuộc 1 trong 3 loại hình (bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khoẻ) hoặc kết hợp các quyền lợi của cả 3 loại hình bảo hiểm trên. Do đó, các đại biểu đề nghị cần viết lại đúng và đầy đủ hơn. 

Các đại biểu tham dự Phiên họp
Các đại biểu tham dự Phiên họp

Đối tượng bảo hiểm vi mô hướng tới là các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp song có ý kiến cho rằng, hiện nay chưa có căn cứ để xác định các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập là như thế nào. Vì vậy, cần làm rõ hơn để bảo đảm hướng đến đúng, đủ đối tượng. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, bảo hiểm vi mô được xác định có tính xã hội nhưng không thể loại bỏ tính thương mại, kinh tế. Do đó, các đại biểu đề nghị cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tham gia vào bảo hiểm vi mô.

Toàn cảnh Phiên họp
Toàn cảnh Phiên họp

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, đây là dự án Luật liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm được người dân và các đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Do đó, cần lưu ý vấn đề phát triển thị trường bảo hiểm tạo nguồn vốn xã hội phòng ngừa và chia sẻ rủi ro, bảo đảm an sinh xã hội. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh đây là lĩnh vực đặc biệt, yêu cầu quản lý chặt chẽ vì liên quan đến kinh tế và phải tôn trọng hoạt động của doanh nghiệp; công khai, minh bạch và tôn trọng quyền lợi của người được hưởng bảo hiểm. 

Đối với bảo hiểm vi mô, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu giao Chính phủ ban hành Nghị định thì cần phải quy định rất cụ thể, xác định rõ các khái niệm tổ chức tương hỗ và bảo hiểm vi mô...

Trung Thành