Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dự phiên họp Thường trực Ủy ban Pháp luật mở rộng

- Thứ Ba, 07/09/2021, 18:56 - Chia sẻ
Sáng 7.9, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tới dự phiên họp Thường trực Ủy ban Pháp luật mở rộng, thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
	Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp thẩm tra sơ bộ
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp 

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì Phiên họp.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thanh Đạt cho biết, các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành tập trung vào 7 nhóm chính sách gồm: Quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan. Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu sáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách Nhà nước...

	Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bô Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trình bày Tờ trình của Chính phủ
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trình bày Tờ trình của Chính phủ

Tại Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ, sau quá trình tiếp thu ý kiến, chỉnh lý dự án Luật được sửa đổi, bổ sung 94 điều trên tổng số 222 điều của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành (chiếm 42%). Luật Sở hữu trí tuệ đã được sửa đổi, bổ sung hai lần vào năm 2009 và 2019, nếu tiếp tục sửa đổi, bổ sung lần thứ ba, với nhiều nội dung và số lượng lớn điều luật sẽ dẫn đến bất cập trong tuyên truyền phổ biến, thi hành, cũng như áp dụng pháp luật. Do vậy, Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép được đổi tên dự án Luật thành Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi).

Tại cuộc họp, bên cạnh một số ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ, nhiều ý kiến không đồng tình với việc sửa đổi tên gọi của dự án Luật, vì chỉ tăng số lượng điều luật, không mở rộng phạm vi chính sách so với đề xuất khi đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Ngoài ra, nếu thay đổi tên gọi thành dự án Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) như đề xuất của Chính phủ sẽ cần nghiên cứu toàn bộ các điều khoản của Luật hiện hành để có phương án sửa đổi, bổ sung toàn diện; rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế 44 văn bản hướng dẫn thị hành Luật hiện hành; rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung 39 văn bản luật điều chỉnh các lĩnh vực chuyên ngành khác có quy định liên quan đến sở hữu trí tuệ.

	Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tổng kết phiên họp
 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu 

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo đã chuẩn bị công phu hồ sơ dự án Luật, xây dựng báo cáo thẩm ra kỹ lưỡng, nêu bật nhiều vấn đề cần quan tâm. Dù dự án Luật đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, cơ quan chủ trì soạn thảo cần lắng nghe ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan tại phiên họp để xây dựng báo cáo tiếp thu giải trình ý kiến thẩm tra, trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ Ba tới đây.

Nhấn mạnh việc bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, đăng ký đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm như thế nào cần thực hiện nghiêm, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần cân nhắc việc đổi tên gọi dự án Luật thành dự án Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý, việc áp dụng hình thức luật sửa đổi hay luật sửa đổi, bổ sung một số điều cần căn cứ vào tính chất, mục tiêu, nội dung của chính sách thể hiện trong dự thảo Luật, không chỉ căn cứ vào số lượng điều khoản được sửa đổi, bổ sung. Quốc hội sẵn sàng chấp nhận sửa đổi toàn diện nếu thấy cần thiết, và khi đó sẽ trả lại hồ sơ dự án Luật để làm lại từ đầu theo đúng quy trình được Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định.

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp

Về đề xuất thu hẹp phạm vi áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, liên quan đến bảo vệ pháp luật, bảo vệ công dân và tổ chức thì khi xâm phạm khách thể nào sẽ xử lý theo khách thể đó. Cụ thể, nếu các cá nhân, tổ chức tự thỏa thuận với nhau về biện pháp xử lý hành vi xâm phạm sẽ thực hiện theo thỏa thuận dân sự giữa các bên. Biện pháp dân sự tại Tòa án được áp dụng khi giữa các bên không đạt được thỏa thuận hoặc không thi hành đúng thỏa thuận. Nhưng, nếu cơ quan quản lý Nhà nước chủ động phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ áp dụng xử phạt hành chính với hành vi đó, để duy trì trật tự công.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đang làm tốt, nay đề xuất như vậy là bỏ một phần quản lý nhà nước thì cần cân nhắc. Hơn nữa, việc không áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như đề xuất tại dự án Luật không làm tăng thẩm quyền của Tòa án, vì đây là một thẩm quyền đã được ghi nhận trong Hiến pháp, các bộ luật, luật liên quan.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, các cơ quan chức năng chú ý một số vấn đề khác như việc đáp ứng các cam kết quốc tế, các nhóm quy định về sở hữu công nghiệp, nhóm quy định về quyền tác giả, quyền liên quan và nhóm vấn đề về giống cây trồng. Theo đó, cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát từng điều, nghiên cứu và có trao đổi lại với cơ quan soạn thảo, các bộ ngành liên quan để các cơ quan cùng đi đến thống nhất.

+ Trước đó, chiều 6.9, Thường trực Ủy ban Pháp luật họp mở rộng thẩm tra sơ bộ Báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2021 của Chính phủ.

P.Thủy