Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dự Phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Cảnh sát cơ động

- Thứ Ba, 31/08/2021, 13:23 - Chia sẻ
Sáng 31.8, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tổ chức Phiên họp mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật Cảnh sát cơ động.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại Phiên họp

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự và phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới chủ trì Phiên họp.

Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ và Lê Quốc Hùng; Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban: Đối ngoại; Pháp luật; Xã hội; Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Văn hóa, Giáo dục.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu khai mạc Phiên họp

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) là một trong 7 dự án luật đầu tiên trình Quốc hội Khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ Hai tới đây. Với tinh thần tiếp tục đổi mới hoạt động của Quốc hội, trọng tâm là nâng cao chất lượng công tác lập pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu rõ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và lãnh đạo Quốc hội đặc biệt quan tâm đến chất lượng xây dựng các dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai tới đây, trong đó có dự án Luật CSCĐ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về  sự cần thiết ban hành dự án Luật; Hồ sơ dự án Luật; sự phù hợp đường lối, chủ trương của Đảng, sự phù hợp với Hiến pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính khả thi của dự thảo Luật; Nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ (Điều 10, Điều 11 dự thảo Luật); Hệ thống tổ chức của CSCĐ (Điều 14 dự thảo Luật); 5. Điều động CSCĐ (Điều 19 dự thảo Luật)...

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh mong muốn nhận được những ý kiến sâu sắc, trí tuệ, cởi mở với tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, cùng đồng hành với Ủy ban và Ban soạn thảo để xây dựng dự án Luật đạt chất lượng tốt nhất.

Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động Phạm Quốc Cương trình bày Tờ trình về dự thảo Luật Cảnh sát cơ động

Tờ trình về dự thảo Luật CSCĐ do Tư lệnh Bộ Tư lệnh CSCĐ Phạm Quốc Cương trình bày cho biết, qua 7 năm thực hiện, Pháp lệnh CSCĐ đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần khắc phục để phù hợp với quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Do vậy, việc xây dựng Luật CSCĐ là cần thiết.

Dự thảo Luật gồm 5 chương, 32 điều (tăng 8 điều so với Pháp lệnh Cảnh sát cơ động). Trong đó, Chương I. Quy định chung, gồm 9 điều; Chương II quy định về Nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động, gồm 11 điều; Chương III. Quy định về Bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động, gồm 6 điều; Chương IV. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Cảnh sát cơ động, gồm 5 điều; Chương V. Điều khoản thi hành (Điều 32).

Nội dung cơ bản của dự thảo Luật Bổ sung 1 điều quy định về hợp tác quốc tế của CSCĐ (Điều 8), trong đó xác định các nguyên tắc và nội dung hợp tác quốc tế nhằm tạo cơ sở pháp lý cho CSCĐ trong thực hiện hợp tác với lực lượng thực thi pháp luật các nước trên thế giới sâu rộng và hiệu quả hơn.

Bổ sung 3 nhiệm vụ cho CSCĐ (Điều 10), đây là các nhiệm vụ trên thực tế CSCĐ đang thực hiện, nay cần được luật hóa để bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, thống nhất, nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi; Bổ sung 2 quyền hạn cho Cảnh sát cơ động (Điều 11). Bên cạnh đó, dự thảo Luật còn bổ sung, làm rõ quy định về hoạt động của CSCĐ gồm: xây dựng và thực hiện phương án; biện pháp công tác; sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và huy động người, phương tiện, thiết bị (tại các Điều 12, 13, 17 và 18) bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan...

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành sự cần thiết ban hành Luật CSCĐ để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, góp phần xây dựng CSCĐ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới. Thường trực Ủy ban cho rằng, nọi dung dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; phù hợp với Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; các quy định trong dự thảo Luật cơ bản có tính khả thi. Thường trực Ủy ban cũng nhất trí với tên gọi, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng như dự thảo Luật; cho rằng, như vậy là phù hợp với Nghị quyết về chương trình xây dựng pháp luật, phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.

Về vị trí, chức năng của CSCĐ, có ý kiến đại biểu cho rằng cần bỏ cụm từ “chuyên trách”, bởi Điều 22, Luật An ninh quốc gia không xác định CSCĐ là cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia; đồng thời, Điều 3, Pháp lệnh CSCĐ hiện hành cũng không xác định CSCĐ là lực lượng chuyên trách trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Do đó, đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung quy định rõ hơn vị trí, chức năng đặc thù của CSCĐ khác với các lực lượng khác trong công an nhân dân.

Về nguyên tắc hoạt động của CSCĐ (Điều 4), theo một số đại biểu, tại Điều 3 của dự thảo Luật thì CSCĐ thuộc Công an nhân dân, nên hoạt động của lực lượng này chịu sự điều chỉnh của Luật Công an nhân dân. Trong khi đó một số nguyên tắc quy định tại Điều 4 của dự thảo Luật này đã được quy định tại Điều 4 của Luật Công an nhân dân. Vì vậy, đề nghị cần rà soát lại, chỉ quy định những nội dung mang tính đặc thù trong hoạt động của CSCĐ, những nội dung đã được quy định tại Luật Công an nhân dân thì không quy định lại, trường hợp cần thiết thì viện dẫn Luật Công an nhân dân. Đồng thời, không quy định lại nguyên tắc CSCĐ “đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước” (Khoản 1, Điều 4 của dự thảo Luật), vì nguyên tắc hoạt động của lực lượng Công an nhân dân là đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước (khoản 1, Điều 4 của Luật Công an nhân dân), trong khi đó, CSCĐ chỉ là một lực lượng thuộc Công an nhân dân.

Toàn cảnh Phiên họp

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu tập trung vào vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; tổ chức hoạt động, cơ chế phối hợp… của lực lượng CSCĐ. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần thiết ban hành Luật CSCĐ nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan và tạo cơ sở pháp lý cho lực lượng CSCĐ thực hiện các nhiệm vụ theo đề án hiện đại hóa lực lượng CSCĐ đến năm 2025, tầm nhìn 2030 của Chính phủ.

Phó Chủ tich Quốc hội ghi nhận sự chuẩn bị tích của của Ban soạn thảo khi hồ sơ bước đầu tương đối đầy đủ và có tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội; Ủy ban Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đã tích cực, chủ động để chuẩn bị cho việc thẩm tra sơ bộ dự án Luật này.

Về một số nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần bám sát 5 quan điểm chỉ đạo về đổi mới công tác lập pháp. Cụ thể, một là, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, thể chế kịp thời đường lối, chủ trương và vì mục tiêu vì con người theo phương châm là nhân dân, nhân đạo, nhân văn, bảo đảm quyền con người được pháp luật bảo đảm. Hai là, tạo lập hành lang pháp lý để điều chỉnh tất cả các hành vi của con người. Ba là tạo đột phá, chuyển từ cái tư duy quản lý sang tư duy kiến tạo và phát triển, có nghĩa là không phải thấy cái gì bất hợp lý là cấm, quản không được là cấm; giải quyết khó khăn từ thực tiễn, bảo đảm sự bao phủ của pháp luật, trong đó bao phủ trong điều kiện phát triển mới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, của các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Bốn là, bảo đảm dân chủ, thực chất và sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân vào tham gia xây dựng luật. Năm là, tôn trọng luật pháp quốc tế, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.

Nhấn mạnh, dự án Luật cần phải đạt được sự mẫu mực về quy trình làm luật, có sức sống, không có luật khung, luật ống, cái nào rõ thì quy định, chưa rõ thì chỉ đạo thí điểm rồi mới đưa vào luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để giải trình báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể, về sự cần thiết, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần bổ sung cho thuyết phục hơn, đâu là điều cốt lõi của dự thảo Luật này. Về đánh giá tác động, Ban soạn thảo cần đánh giá thật kỹ để dựa vào đó dự báo và đề ra chính sách đúng; về Tờ trình của Chính phủ, cần rà soát lại tất cả hồ sơ, bổ sung cho đầy đặn, rõ ràng hơn

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Dự thảo luật liên quan đến vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động của nhiều lực lượng quy định tại nhiều luật chuyên ngành. Do đó, cần rà soát bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột trong thực thi nhiệm vụ của các lực lượng.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, dự thảo Luật dùng từ “chuyên trách” với CSCĐ có đúng hay không? Hay việc dùng từ “biện pháp vũ trang”, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, như vậy là có xu hướng tuyệt đối hóa mọi mặt, bởi lực lượng CSCĐ là lực lượng dùng rất nhiều biện pháp công tác của ngành công an, trong đó đặc trưng là biện pháp vũ trang chứ không phải chỉ có biện pháp vũ trang. Về phạm vi hoạt động, theo Phó Chủ tịch Quốc hội dự thảo Luật còn hơi “luẩn quẩn”, nếu trùng với các lực lượng khác là không được, trường hợp nào dùng CSCĐ thì chưa rõ? Do đó, cần rà soát đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo thẩm quyền, phạm vi hoạt động, trường hợp sử dụng, kể cả trường hợp cấp bách huy động như thế nào? Bên cạnh đó là rà soát kỹ quy định về tổ chức hệ thốn, tổ chức quan hệ trong các cơ chế phối hợp với các lực lượng khác.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trên tinh thần vì Nước, vì dân nên bên cạnh việc đúng đường lối, quan điểm, đúng Hiến pháp, pháp luật cần bảo đảm phải tiết kiệm ngân sách trong điều kiện, khả năng của nền kinh tế.

Trên các cơ sở thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, bước đầu dự thảo Luật đáp ứng được một số yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, đề nghị, sau phiên họp này Ban soạn thảo nghiên cứu để có những dự kiến tiếp thu, nội dung cần giải trình và gửi tài liệu báo cáo kèm theo cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh khẩn trương hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra sơ bộ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trung Thành