Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương làm việc với Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh

- Thứ Tư, 01/12/2021, 14:52 - Chia sẻ
Sáng 1.12, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đã làm việc với Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý bước đầu dự án Luật Cảnh sát cơ động theo ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại cuộc làm việc (1)

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại cuộc làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, với tinh thần, phương châm chủ động, đoàn kết và trách nhiệm, cuộc làm việc nhằm rà soát và nghe kết quả nghiên cứu ban đầu ý kiến ĐBQH đối với dự án Luật Cảnh sát cơ động tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV; dự kiến về nội dung, phương pháp, thời gian kế hoạch tiếp thu, chỉnh lý và giải trình của Ủy ban để tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, dự án Luật Cảnh sát cơ động là một trong 5 dự án luật được ĐBQH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai vừa qua; các ý kiến đều trách nhiệm, thẳng thắn, quan điểm, chính kiến rõ ràng vào hầu hết các nội dung của dự án Luật. Do đó, việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và xây dựng dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa thể hiện sự thống nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ, đồng thời thể hiện được sự nhất quán trong chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội trước yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng công tác lập pháp của Quốc hội.

Để có thông tin và cơ sở chỉ đạo việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đạt kết quả tốt, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các đại biểu cho ý kiến về kế hoạch kèm theo tiến độ nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý; việc tổ chức khảo sát, hội thảo, tổ chức các hội nghị, làm việc với các cơ quan hữu quan, các chuyên gia, các nhà khoa học để phục vụ cho việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý. Cùng với đó là xung quanh công tác bảo đảm và phối hợp của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh với Ban soạn thảo, Chính phủ, các cơ quan hữu quan trong nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Kết quả bước đầu trong nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; việc nghiên cứu, lựa chọn những vấn đề trọng tâm như thế nào, còn vấn đề nào khó, có ý kiến khác nhau để dự kiến vấn đề gì tiếp thu, phương án tiếp thu, chỉnh lý; vấn đề dự kiến giải trình, căn cứ chính trị, pháp lý thực tiễn thế nào; vấn đề vừa tiếp thu vừa giải trình…

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Lê Tấn Tới phát biểu tại cuộc làm việc
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Lê Tấn Tới phát biểu tại cuộc làm việc

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cuộc làm việc này sẽ thống nhất phương án tổ chức bài bản, khoa học, chắc chắn và đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong công tác lập pháp của Quốc hội.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thiếu tướng Lê Tấn Tới cho biết, sau Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, Ủy ban đã làm việc tập trung quyết liệt và trách nhiệm trong nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động. Về việc chỉnh lý, giải trình, tiếp thu, Ủy ban đã có kế hoạch bước đầu; về khảo sát, Ủy ban đã có kế hoạch thành lập 4 đoàn khảo sát; về tổ chức Hội thảo, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên dự kiến sẽ tổ chức tại Hà Nội nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch…

Báo cáo tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức cho biết, trên cơ sở ý kiến các ĐBQH, Thường trực Ủy ban đã xây dựng Kế hoạch giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động; Kế hoạch tổ chức tọa đàm lấy ý kiến và Kế hoạch khảo sát phục vụ tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này.

Hiện nay, Thường trực Ủy ban đã họp với Ban soạn thảo dự án Luật Cảnh sát cơ động, Thường trực Ủy ban Pháp luật nghiên cứu ý kiến ĐBQH, dự kiến tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn có nhiều ý kiến như vị trí, chức năng của cảnh sát cơ động; nhiệm vụ của cảnh sát cơ động; quyền hạn của cảnh sát cơ động; hệ thống tổ chức của cảnh sát cơ động… nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm chất lượng nhất trước khi trình ra Quốc hội.

Trong thời gian tới, Thường trực Ủy ban sẽ tổ chức khảo sát tại một số địa phương; tổ chức một cuộc tọa đàm; tiếp tục tổ chức các cuộc họp với Ban soạn thảo dự án Luật và các cơ quan hữu quan để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý. Theo dự kiến, trong tháng 1.2022, Thường trực Ủy ban và Ban soạn thảo sẽ hoàn thành tiếp thu, chỉnh lý để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (dự kiến tháng 2.2022) trước khi gửi xin ý kiến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại cuộc làm việc (2)
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại cuộc làm việc 

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đánh giá cao các ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm của đại biểu; nhấn mạnh tinh thần cần quán triệt đầy đủ quan điểm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lập pháp của Quốc hội, nhất là phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV: “Quốc hội cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của mình trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước”.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phải thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và pháp luật liên quan; đề nghị, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, đầy đủ ý kiến ĐBQH, việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật phải khách quan, toàn diện. Việc tiếp thu ý kiến ĐBQH phải có phương án cụ thể, rõ ràng; bảo đảm nội dung chặt chẽ, đầy đủ, thống nhất trong luật và với pháp luật liên quan, không gây chồng chéo, mâu thuẫn. Những vấn đề giải trình phải nêu rõ lý do, có căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn rõ ràng, cụ thể, có tính thuyết phục cao.

Trung Thành