Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì xây dựng chuyên đề Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội

- Thứ Tư, 01/09/2021, 18:12 - Chia sẻ
Chiều 1.9, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Tiểu ban số 2 đã chủ trì phiên họp thứ Nhất, Tiểu ban số 2 Xây dựng chuyên đề “Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Tham dự phiên họp có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh...

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp thứ Nhất, Tiểu ban số 2 Xây dựng chuyên đề Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, theo Kế hoạch số 02-KH/BCĐ của Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Đảng đoàn Quốc hội được Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo Trung ương giao xây dựng 4 chuyên đề, trong đó có chuyên đề “Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, vì vậy, Ban Chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội đã ra Quyết định số 143-QĐ/ĐĐQH15 thành lập Tiểu ban số 2 có nhiệm vụ xây dựng chuyên đề "Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, các khoá Quốc hội trước đều có những đổi mới trong tổ chức, hoạt động. Tuy nhiên, Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XV càng cần phải đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hơn nữa, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội hoan nghênh Ban Công tác đại biểu đã chủ động tham mưu, mời được các thành viên tham gia Tổ biên tập là lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tâm huyết, có nhiều kinh nghiệm, công tác lâu năm tại Quốc hội, trải qua nhiều công việc thực tiễn. Đặc biệt, sự tham gia của Ban Tổ chức Trung ương, Mặt trận Tổ quốc, Văn phòng Chính phủ - các cơ quan có quan hệ mật thiết, gắn bó chặt chẽ với các hoạt động của Quốc hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng biểu dương Ban Công tác đại biểu đã chủ động phối hợp, bước đầu xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện; phân công nhiệm vụ; quy chế làm việc; dự thảo đề cương Đề án để góp ý tại cuộc họp. 

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, do yêu cầu chung về tiến độ thời gian, Tiểu ban số 2 cần xác định nội dung công việc triển khai, thời điểm hoàn thành của từng tuần, từng tháng và bảo đảm đúng thời gian theo kế hoạch chung là sẽ trình Đảng đoàn Quốc hội vào khoảng trung tuần tháng 12.2021.

Trên tinh thần tích cực, khẩn trương, bảo đảm chất lượng của Đề án, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các thành viên Tiểu ban số 2 tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về Đề cương chuyên đề; Quy chế hoạt động của Tiểu ban số 2; Phân công nhiệm vụ Trưởng Tiểu ban và các Phó Trưởng Tiểu ban; Kế hoạch xây dựng chuyên đề; Phân công xây dựng các Tiểu chuyên đề.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh khẳng định, chuyên đề “Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là chuyên đề rất quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với định hướng đổi mới, phát triển của Quốc hội trong thời gian trước mắt và định hướng tới năm 2045. Nhận thức được tầm quan trọng của công việc được giao, ngay từ khi Đảng đoàn Quốc hội triển khai chủ trương của Bộ Chính trị về xây dựng các chuyên đề được phân công thuộc Đề án “Chiến lược Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Ban Công tác đại biểu đã chủ động bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội để bắt tay ngay vào nghiên cứu, xây dựng dự thảo Đề cương chuyên đề và các tài liệu liên quan.

Trong quá trình xây dựng các dự thảo, Ban Công tác đại biểu đã xin ý kiến các đồng chí có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động của Quốc hội, các đồng chí nguyên là Trưởng Ban Công tác đại biểu các nhiệm kỳ, các đồng chí nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, các đồng chí có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá cao sự chủ động chuẩn bị của Ban Công tác đại biểu. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị, cần xác định trọng tâm và khâu đột phá trong đổi mới lần này là gì. Các đại biểu cũng nhấn mạnh, đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội nhưng phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước và đặc biệt là giải quyết được những vấn đề từ thực tiễn.

Thanh Chi