Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Kỳ họp thứ Năm, Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc

- Thứ Hai, 13/12/2021, 13:47 - Chia sẻ
Sáng 13.12, tại thành phố Vĩnh Yên, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự Kỳ họp thứ Năm, Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh Vĩnh Phúc Khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu dự Kỳ họp

Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan; Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành; Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Hoàng Anh; đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương; Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh Vĩnh Phúc…

Chủ động, có giải pháp đột phá trong triển khai nhiệm vụ

Phát biểu tại Kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Vĩnh Phúc hội tụ đủ các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, có vị trí liền kề sân bay quốc tế Nội Bài, nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh, Lào Cai, Hà Nội, Quảng Ninh… là điều kiện thuận lợi để thiết lập vành đai phát triển công nghiệp phía Bắc.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp thứ Năm, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2021 - 2026

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, phù hợp với thực tiễn và các kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Hết sức coi trọng công tác văn hóa và công tác xây dựng Đảng, cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tận dụng cơ hội, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, thống nhất ý chí và hành động, năng động, sáng tạo, quyết tâm phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, kế hoạch, chương trình của Tỉnh đã đề ra.

Chủ động, có giải pháp đột phá mạnh mẽ trong triển khai các nhiệm vụ, nội dung, chương trình, kế hoạch, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, UBND; đánh giá sâu sắc công tác phòng, chống dịch thời gian qua để rút ra bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành, bảo đảm thống nhất, xuyên suốt, đồng bộ; bám sát Nghị quyết 128 của Chính phủ để thực hiện mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” gắn với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc và của Chính phủ.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành hoạt động, minh bạch hóa, công khai hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính, tạo môi trường ổn định, thuận lợi, có cơ chế, chính sách thông thoáng, phù hợp để thu hút đầu tư, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp.

Tiếp tục đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, chất lượng tổ chức các kỳ họp, các cuộc thẩm tra, giám sát, các cuộc tiếp xúc cử tri. Các đại biểu HĐND đề cao tinh thần trách nhiệm, gắn bó chặt chẽ, liên hệ thường xuyên với cử tri và nhân dân, lắng nghe ý kiến cử tri và nhân dân, phản ánh kịp thời đến các cơ quan chức năng để xử lý, giải quyết theo thẩm quyền. Trong thời gian tới, các ngành, các cấp trong tỉnh cần thực hiện nghiêm túc Chỉ thị Ban Bí thư về việc đón Tết Nhâm Dần, bảo đảm mọi người, mọi nhà đều được vui xuân đón Tết.

Xem xét nhiều nội dung quan trọng 

Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, năm 2021, cùng với khó khăn chung của cả nước, dịch Covid-19 bùng phát mạnh, Vĩnh Phúc là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước chịu tác động của đợt dịch thứ 4, làm ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của tỉnh. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cùng với sự nỗ lực cao độ của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, với những kết quả nổi bật, toàn diện; vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu khai mạc kỳ họp

Kinh tế - xã hội của tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét, khá toàn diện. 18/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu ước đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Kinh tế ổn định và phục hồi tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước đạt khá, nằm trong “top 10” các tỉnh, thành phố trên toàn quốc có tăng trưởng cao. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt dự toán đề ra.

2021 là năm thu hút đầu tư đạt cao nhất từ trước đến nay của Vĩnh Phúc. Cùng với đó, các chính sách an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. 2021 cũng là năm tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tiến hành củng cố, kiện toàn bộ máy chính quyền các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tạo tiền đề quan trọng góp phần xây dựng bộ máy chính quyền các cấp thực sự của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhấn mạnh, kết quả đạt được trong năm 2021, có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) của HĐND tỉnh, tạo đà cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và các nhiệm vụ quan trọng khác trong những năm tới.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nêu rõ, Kỳ họp thứ Năm, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Khóa XVII dự kiến diễn ra trong 2 ngày rưỡi. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định nhiều nội dung quan trọng:

Thứ nhất, xem xét các báo cáo của UBND tỉnh về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2021; xem xét và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách năm 2022; kế hoạch tài chính 5 năm (2021 - 2025); kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm (2022 - 2024); kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Xem xét các Báo cáo của UBND tỉnh về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri trước, sau kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh; Báo cáo công tác của UBND tỉnh năm 2021, phương hướng nhiệm vụ 2022 và báo cáo của UBND tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giải quyết và một số báo cáo khác theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, HĐND tỉnh sẽ xem xét, thảo luận, cho ý kiến các báo cáo công tác của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh; Báo cáo công tác của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Cục thi hành án dân sự tỉnh năm 2021, nhiệm vụ năm 2022.

Thứ ba, HĐND tỉnh sẽ nghe Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thông báo về hoạt động của Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân năm 2021; Đoàn ĐBQH tỉnh báo cáo kết quả Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV; Thường trực HĐND báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri đã được gửi đến HĐND tỉnh; các Ban của HĐND tỉnh báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, công tác của các cơ quan tư pháp năm 2021 và báo cáo thẩm tra các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp thứ 5. Đây là kênh thông tin quan trọng để đại biểu có thêm cơ sở xem xét, quyết định tại kỳ họp.

Thứ tư, thảo luận, xem xét 24 dự thảo nghị quyết UBND tỉnh trình HĐND tỉnh, đây là kỳ họp có nhiều nghị quyết; vì vậy đại biểu cần tập trung thảo luận đánh giá thực trạng, sự cần thiết của các nội dung chuyên đề, đặc biệt là các chuyên đề về ban hành chính sách đặc thù của tỉnh, đảm bảo tính pháp lý, thực tiễn và tính khả thi của Nghị quyết HĐND tỉnh.

Thứ năm, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ thảo luận tại hội trường, chia tổ thảo luận, giám sát chuyên đề, chất vấn và xem xét trả lời chất vấn. Đây là hình thức hoạt động giám sát của HĐND, phát huy vai trò giám sát của cử tri và Nhân dân thông qua truyền hình trực tiếp tại kỳ họp.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh, cũng như lãnh đạo và các thành viên UBND tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri thông qua hoạt động giám sát của HĐND tỉnh.

Kỳ họp thứ Năm có khối lượng công việc rất lớn, với nhiều nội dung quan trọng, tác động lớn đến việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022 và của cả nhiệm kỳ 2021 - 2026. Nhấn mạnh điều này, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan đề nghị, các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận dân chủ, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng vào các nội dung trình tại kỳ họp, góp phần quan trọng để kỳ họp thành công tốt đẹp, đáp ứng sự mong đợi của cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

18/19 chỉ tiêu chủ yếu ước đạt và vượt mức kế hoạch đề ra

Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành cho biết, Nghị quyết 34/NQ-HDND của HĐND tỉnh đã đề ra 19 chỉ tiêu chủ yếu, kết quả đến nay dự kiến có 18/19 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó có 12 chỉ tiêu vượt và 6 chỉ tiêu đạt mục tiêu; một chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu (tăng trưởng kinh tế). Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (theo giá so sánh 2010) ước cả năm đạt 86,03 nghìn tỷ đồng, tăng 7,36% so với năm 2020, trong đó ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,76%, ngành công nghiệp   xây dựng tăng 11,2% (trong đó riêng công nghiệp tăng 9,8%), các ngành dịch vụ tăng 2,19% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp tăng 5,1% so với năm 2020. Quy mô GRDP dự kiến đạt hơn 135 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 9,35% so với năm 2020, đưa giá trị GRDP bình quân đầu người lên 113,4 triệu đồng/người (tăng 7,9 triệu đồng/người so với năm 2020). Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 45.395 tỷ đồng, tăng 4.57% so năm 2020, chiếm 33,59% GRDP.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh

Năm 2021, thu hút đầu tư của tỉnh đạt được những kết quả rất tích cực, dự kiến thu hút được 50 dự án mới, trong đó có 35 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 880 triệu USD và 135 triệu USD điều chỉnh tăng vốn (tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt trên 1 tỷ USD), bằng hơn 253% kế hoạch, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020); cấp mới cho 22 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 9,90 nghìn tỷ đồng và 6,67 nghìn tỷ đồng điều chỉnh tăng vốn (tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt 16,57 nghìn tỷ đồng), bằng 301% kế hoạch, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2020.

Đặc biệt, năm 2021 tỉnh đã thu hút được một số dự án lớn đầu tư vào các lĩnh vực như: công nghiệp chế biến chế tạo, hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng cụm công nghiệp, đô thị, nông nghiệp... Đây là những dự án được xác định là động lực tăng trưởng cho tỉnh trong thời gian tới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng thẳng thắn chỉ rõ, còn nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp khó khăn; một số doanh nghiệp phải giãn tiến độ triển khai dự án, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, một số phải tạm ngừng hoạt động. Môi trường đầu tư vẫn còn nhiều hạn chế, chưa có sự bứt phá. Công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, làm chậm tiến độ triển khai dự án. Triển khai hạ tầng khu công nghiệp phát triển chậm, số khu công nghiệp và diện tích đất công nghiệp đạt thấp so với phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp còn thiếu và yếu, hạ tầng xã hội phục vụ người lao động chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và phát triển; quỹ đất sạch hiện sẵn sàng cho thu hút đầu tư trong các khu công nghiệp còn ít…

Quang cảnh Kỳ họp

Nêu một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tỉnh sẽ vừa quyết liệt phòng, chống, khống chế dịch, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, trọng tâm là cải cách các thủ tục hành chính, tập trung đơn giản hóa, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Đẩy nhanh chương trình chuyển đổi số để doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận và tham gia hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đổi mới quy trình và công nghệ sản xuất. Hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát điều chỉnh các quy hoạch có liên quan phù hợp với Quy hoạch tỉnh.

Trình bày phương hướng nhiệm vụ năm 2022 của Thường trực HĐND tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trung Hải cho biết, Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh theo hướng ngày càng hiệu lực, hiệu quả đúng quy định. Tiếp tục đổi mới công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ họp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp. Tổ chức thành công các kỳ họp của HĐND tỉnh năm 2022. Phối hợp với UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các Ban HĐND tỉnh chuẩn bị các nội dung trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết tại các kỳ họp trong năm 2022.

Thực hiện tốt nghị quyết của HĐND tỉnh về chương trình giám sát năm 2022. Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát năm 2022 của Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh đảm bảo khoa học, chất lượng và hiệu quả, trong đó tập trung giám sát những nội dung cử tri và nhân dân quan tâm; tổ chức hoạt động giám sát tại kỳ họp để các đại biểu HĐND tỉnh đều được thực hiện chức năng giám sát của mình, đồng thời tăng cường vai trò giám sát của nhân dân thông qua việc truyền hình trực tiếp các kỳ họp HĐND tỉnh.

Tăng cường vai trò trách nhiệm của các Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND tỉnh trong hoạt động giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, tiếp công dân, giám sát việc tuân theo pháp luật các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết HĐND tỉnh trên địa bàn theo quy định; hoạt động tiếp xúc cử tri, thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri báo cáo Thường trực HĐND tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn thừa ủy quyền của Chủ tịch Nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc

+ Tại Kỳ họp thứ Năm, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, thừa ủy quyền của Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc và Báo Vĩnh Phúc.

Thanh Chi