Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên họp Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục mở rộng

- Thứ Sáu, 27/08/2021, 12:25 - Chia sẻ
Sáng 27.8, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo phiên họp Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục mở rộng, thẩm tra sơ bộ dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; các Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; đại diện Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện các bộ, ngành liên quan và một số chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong lĩnh vực điện ảnh. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Hai tới. Sau phiên họp này, Ủy ban sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến các chuyên gia nhằm hoàn thiện dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã tiếp thu nghiêm túc ý kiến kết luận tại cuộc làm việc ngày 13.8.2021 của Lãnh đạo Quốc hội với các cơ quan chủ trì thẩm tra, cho ý kiến về công tác chuẩn bị 7 dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai, trong đó có dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, “tinh thần chung là phải nâng cao chất lượng công tác xây dựng luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phải chuẩn bị từ sớm, từ xa và đặt ra yêu cầu nhất định phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng, chất lượng các dự án, dự thảo, nội dung trước khi trình Quốc hội”.

Trong tháng 9.2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội. Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, các đại biểu quan tâm, tiếp tục thảo luận và lưu ý về một số vấn đề sau:

Thứ nhất, cần nhìn nhận điện ảnh ở 2 góc độ: điện ảnh là một loại hình nghệ thuật, phải bảo đảm các yêu cầu về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; điện ảnh cũng là một phần của ngành công nghiệp văn hóa, đòi hỏi phải có cơ chế thúc đẩy, vận hành điện ảnh như một ngành kinh tế, tuân theo các quy luật thị trường, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, Luật Điện ảnh (sửa đổi) khi ban hành phải phục vụ tốt yêu cầu tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền sáng tạo, hưởng thụ giá trị văn hóa, nghệ thuật của người dân và cộng đồng.

Thứ hai, xây dựng nền điện ảnh Việt Nam hội nhập quốc tế cũng như khuyến khích phát triển thị trường điện ảnh trong nước; xem xét các quy định về điện ảnh trong bối cảnh khoa học, công nghệ đang phát triển mạnh mẽ và tác động trực tiếp, làm thay đổi thị hiếu người xem. Bên cạnh đó, cần đặc biệt quan tâm đến các chính sách phát triển điện ảnh, xây dựng hệ sinh thái sản xuất phim, khuyến khích xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài cho phát triển điện ảnh; các quy định về sở hữu trí tuệ và quảng cáo trong tác phẩm điện ảnh.

Phiên họp Thường trực Ủy ban mở rộng nhằm thẩm tra sơ bộ dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Thứ ba, cần khắc phục tình trạng “luật khung”, “luật ống”. Với những vấn đề đã rõ, có tính ổn định cao cần quy định rõ, chi tiết tại dự thảo Luật để thực hiện; cụ thể hóa tối đa các quy định, đưa vào dự thảo luật những nội dung ở các văn bản dưới luật đã được kiểm chứng, có tính ổn định cao; chỉ giao Chính phủ quy định chi tiết những vấn đề có tính linh hoạt, nhiều biến động trong thực tiễn.

Thứ tư, cần rà soát các quy định thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước, nhất là liên quan đến thẩm định, cấp phép phân loại phim, xuất khẩu phim, nhập khẩu phim, phát hành phim; cấp phép đối với liên hoan, giải thưởng, cuộc thi phim… trên tinh thần đổi mới, thông thoáng hơn, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh, khuyến khích toàn xã hội tham gia phát triển điện ảnh.

Thứ năm, tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, các cơ quan tổ chức về điện ảnh, tham khảo kinh nghiệm của các nước có nền điện ảnh phát triển… để tiếp thu hoàn thiện Dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội mong muốn, các đại biểu có nhiều ý kiến thảo luận thẳng thắn, sâu sắc tại phiên họp và đề nghị Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục nghiên cứu sâu, tiếp thu các góp ý; thực hiện việc thẩm tra dự án Luật đúng quy trình, quy định với chất lượng cao nhất; tiếp tục tổ chức xin ý kiến góp ý trên tinh thần “xin ý kiến càng rộng, càng sâu càng tốt”, nhất là ý kiến các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự án Luật để có đầy đủ cơ sở lý luận, thực tiễn trong việc chuẩn bị báo cáo thẩm tra, báo cáo thiếp thu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến, xem xét thông qua đạt chất lượng, tiến độ đề ra.

Theo Tờ trình dự án Luật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau 15 năm thi hành, bên cạnh những đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập cần sớm được sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách lớn của nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, hội nhập quốc tế trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư. Đơn cử, một số quy định của Luật Điện ảnh không còn phù hợp hoặc đã bị bãi bỏ hoặc được quy định tại luật chuyên ngành khác như quy định “Doanh nghiệp phát hành phim, doanh nghiệp khác có đăng ký kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu phim phải có rạp chiếu phim để tham gia phổ biến phim”; quy định “Đối với doanh nghiệp sản xuất phim, ngoài việc phải có các điều kiện thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp còn phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp…

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng nhấn mạnh, trong tình hình hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và mạng xã hội đã tác động, làm thay đổi cả về quy trình, phương thức sản xuất, phát hành, phổ biến phim và cách tiếp cận, thụ hưởng tác phẩm điện ảnh của người dân. Do đó, Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh; đồng thời, tán thành với mục đích, quan điểm xây dựng dự án Luật tại Tờ trình của Chính phủ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng nhấn mạnh việc sửa đổi Luật cần đáp ứng các yêu cầu như: khắc phục tình trạng “luật khung”, “luật ống”; quy định cụ thể các nội dung đã được kiểm chứng trong thực tiễn, có tính ổn định cao; các quy định phải bảo đảm nguyên tắc quan trọng là tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa nghệ thuật của người dân, cộng đồng đã được ghi nhận tại Hiến pháp 2013 và quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khi tham gia thị trường điện ảnh; đổi mới hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng thông thoáng, cởi mở; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội, huy động các nguồn lực tham gia phát triển công nghiệp điện ảnh.

Tại phiên họp, một số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đề xuất một số chính sách mới nhưng chưa có đánh giá đầy đủ tác động của chính sách và đề nghị, cần cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, phù hợp với chủ trương của Đảng, tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành và các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Dự thảo cũng có nhiều quy định mang tính định tính, chung chung như những khoản quy định về “các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật”. Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc văn bản quy phạm pháp luật phải quy định cụ thể nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác. Do đó, có ý kiến đề nghị, cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ dự thảo Luật và loại bỏ những điều khoản “quét”.

Thanh Chi