Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Phiên họp toàn thể của Ủy ban Xã hội

- Thứ Hai, 06/12/2021, 15:07 - Chia sẻ
Sáng 6.12, tại Hà Nội, Ủy ban Xã hội đã tiến hành phiên họp toàn thể lần thứ 5 theo hình thức trực tuyến, thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới dự. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, theo tinh thần Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28.7.2021 của Quốc hội về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được xem xét, quyết định một số vấn đề để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành một số Nghị quyết cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Ngày 17.11.2021, Chính phủ có Tờ trình số 521 báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách và đặc thù, chủ yếu trong lĩnh vực y tế để thực hiện Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Ủy ban Xã hội

Ảnh: Hồ Long 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhất trí với nhiều nội dung đề xuất của Chính phủ và quan điểm của Thường trực Ủy ban Xã hội, nhưng cũng lưu ý, các cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng, bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ và minh bạch khi thực hiện. Bên cạnh đó, cần bảo đảm tính thống nhất của Nghị quyết này với các văn bản có liên quan, đặc biệt là Nghị quyết số 30 của Quốc hội về thời điểm có hiệu lực và thời điểm hết hiệu lực; đối tượng áp dụng; quyền, nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong việc điều động nhân lực tham gia phòng, chống dịch cũng như bảo đảm ngân sách... 

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, nội dung Ủy ban Xã hội xem xét, thẩm tra tại phiên họp có tác động, ảnh hưởng lớn đến xã hội, người dân. Ý kiến thẩm tra của Ủy ban sẽ là căn cứ quan trọng để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Do đó, các thành viên Ủy ban Xã hội cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tham gia đóng góp ý kiến sâu sắc, khách quan, xây dựng, cụ thể từng mục, từng nội dung, từng chính sách, không góp ý chung chung, để đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp bách thực tiễn công tác chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính phủ, cơ quan được giao chủ trì soạn thảo là Bộ Y tế cần tiếp tục lắng nghe, nghiên cứu, hoàn thiện các tài liệu theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và giải trình, làm rõ các nội dung Thường trực Ủy ban đã đề cập và ý kiến hôm nay.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai trình bày dự thảo báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết 

Ảnh: Hồ Long 

Thay mặt Ủy ban Xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thuý Anh khẳng định Ủy ban nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội và Lãnh đạo Quốc hội về nội dung này. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị, các thành viên Ủy ban tiếp tục phát huy trí tuệ, tập trung thảo luận, đóng góp với tinh thần trách nhiệm cao để Báo cáo thẩm tra của Ủy ban đạt chất lượng tốt nhất.

Theo Tờ trình dự thảo Nghị quyết do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày, Chính phủ đã hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, nhằm thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19, nhất là trong thời gian tới khi thống nhất chủ trương chuyển hướng phòng, chống dịch sang phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; phòng ngừa chủ động từ sớm, từ xa; để tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện Chiến lược. Trong dự thảo Nghị quyết, Chính phủ đề xuất 9 chính sách, tập trung vào 4 nhóm vấn đề lớn quy định về: thanh toán chi phí và chế độ chống dịch; khám bệnh, chữa bệnh từ xa; về dược và trang thiết bị y tế.

Thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết

Ảnh: Hồ Long 

Về hồ sơ đề nghị ban hành Nghị quyết, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, cơ bản Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của Thường trực Ủy ban về bổ sung hồ sơ còn thiếu, tuy nhiên, vẫn cần bổ sung báo cáo thẩm định đối với dự thảo Nghị quyết. Vì đây là vấn đề cấp bách nên phải có dự thảo các văn bản quy định chi tiết để khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua sẽ thực hiện được.

Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết trên cơ sở thảo luận, góp ý của các đại biểu tại phiên họp về các chính sách lớn của dự thảo Nghị quyết liên quan đến các nội dung: nhân lực tham gia tiêm chủng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị người mắc Covid-19 (Điều 2); thanh toán chi phí tiêm chủng, xét nghiệm, khám bệnh, chữa bệnh Covid-19; khám bệnh, chữa bệnh từ xa…

Phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Ủy ban Xã hội được tiến hành theo hình thức trực tuyến

Ảnh: Hồ Long 

Các đại biểu cũng thảo luận, làm rõ các vấn đề: làm rõ khái niệm “người hành nghề”; bóc tách các quy định, hướng dẫn về chi khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế đối với bệnh nhân Covid-19; chế độ đãi ngộ, chính sách tiền lương, tiền công, phụ cấp đối với người được điều động tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch…

Thanh Chi