Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Phiên họp toàn thể Ủy ban Xã hội

- Thứ Tư, 21/07/2021, 20:46 - Chia sẻ
Chiều 21.7, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự Phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Ủy ban Xã hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì Phiên họp.

Tham dự phiên họp có: Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan; Thường trực Ủy ban và các thành viên Ủy ban Xã hội và một số đại biểu Quốc hội Khóa XIV.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, phiên họp nhằm thẩm tra Đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; xem xét, cho ý kiến dự thảo báo cáo của Ủy ban về các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Nhất. Để bảo đảm tiến độ, chất lượng của các báo cáo, bà Nguyễn Thuý Anh mong muốn, các thành viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ tập thể, tập trung thảo luận, góp nhiều ý kiến sâu sắc vào các nội dung.

Thay mặt Lãnh đạo Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chúc mừng Chủ nhiệm, Thường trực và các thành viên Ủy ban Xã hội nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV bắt đầu trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến rất phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Trong bối cảnh đó, vấn đề phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải giải quyết tốt những vấn đề xã hội như: y tế, việc làm, giảm nghèo, an sinh xã hội, người có công, bình đẳng giới… nhằm đáp ứng những nhu cầu thiết yếu và cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm công bằng xã hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp

Trong bối cảnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Ủy ban Xã hội tập trung nghiên cứu đầy đủ, sâu sắc các quan điểm, định hướng, chủ trương của Đảng trong lĩnh vực xã hội và liên quan trực tiếp đến lĩnh vực của Ủy ban; thúc đẩy các dự án luật kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết liên quan về tăng cường công tác bảo vệ, nâng cao và chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới; cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; cải cách chính sách bảo hiểm xã hội... Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan hữu quan nhằm xây dựng định hướng công tác lập pháp cả nhiệm kỳ với lộ trình phù hợp và có thứ tự ưu tiên để đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm; thúc đẩy đánh giá tác động xã hội và tác động giới của chính sách trong tất cả các đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh. Phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong hoạt động thẩm tra, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh; các hoạt động nghiên cứu độc lập, đánh giá dựa trên bằng chứng, tham vấn công chúng, thẩm tra ...

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý, Ủy ban cần quan tâm hoạt động giám sát, khảo sát việc thực hiện các quy định về hỗ trợ người lao động, đối tượng bảo trợ xã hội bị ảnh hưởng bởi đại dịch; đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến việc thực hiện chính sách trong các lĩnh vực mà Ủy ban được giao phụ trách để tham mưu cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có các quyết sách kịp thời và hiệu quả. 

Về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, các thành viên Ủy ban phát huy trí tuệ tập thể, kế thừa kết quả thẩm tra sơ bộ của Ủy ban về các vấn đề Xã hội Khóa XIV, tích cực thảo luận nhằm xây dựng báo cáo thẩm tra chất lượng cao nhất, là căn cứ quan trọng để các đại biểu Quốc hội xem xét, phê duyệt chủ trương này, góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chỉ thị 06 ngày 23.6.2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tin tưởng, với những thành quả và kinh nghiệm của Ủy ban các nhiệm kỳ trước đây, Ủy ban Xã hội sẽ có nhiều đổi mới trong cách thức hoạt động; mỗi thành viên Ủy ban sẽ là cầu nối phản ánh ý chí, nguyện vọng của Nhân dân trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực xã hội, nhằm mục tiêu thúc đẩy tiến bộ và công bằng và xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chúc mừng Ủy ban Xã hội, Quốc hội Khóa XV

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe đại diện Lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình bày Tờ trình của Chính phủ về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025; đại diện Thường trực Ủy ban Xã hội trình bày tóm tắt một số nội dung quan trọng dự thảo báo cáo thẩm tra về nội dung này.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 đã giảm từ 5 dự án (15 tiểu dự án) xuống còn 4 dự án (11 tiểu dự án). Tổng nguồn vốn đề xuất thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (theo Tờ trình số 143/TTr-CP ngày 21.5.2021 của Chính phủ) được điều chỉnh giảm từ 90.260 tỷ đồng xuống còn 75.000 tỷ đồng. Đối tượng, địa bàn thực hiện là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi toàn quốc, chú trọng địa bàn còn nhiều khó khăn.

Các đại biểu đề nghị, ngoài giải quyết chiều nghèo về thu nhập, Chương trình cần bổ sung các nội dung phù hợp để giải quyết các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản còn cao của các hộ nghèo ở giai đoạn trước hoặc chưa bố trí nguồn lực thực hiện như nhà ở, dinh dưỡng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều hằng năm 1 - 1,5%; đồng thời, chỉnh sửa mục tiêu, chỉ tiêu và các dự án thành phần của Chương trình phù hợp với đối tượng, phạm vi, nội dung nêu trên. Một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục rà soát, bảo đảm không trùng lặp về: đối tượng, phạm vi, địa bàn, nội dung, nguồn lực giữa Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững với 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Thanh Chi