Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu tại Phiên toàn thể thứ Nhất, hội nghị ASEP-11

- Thứ Ba, 16/11/2021, 18:24 - Chia sẻ
Chiều 16.11, tiếp tục chương trình Hội nghị Đối tác Nghị viện Á - Âu lần thứ 11 (ASEP-11) do Quốc hội Vương quốc Campuchia chủ trì tổ chức theo hình thức trực tuyến, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng đoàn đã tham dự và phát biểu tại Phiên toàn thể thứ Nhất.
	Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng đoàn tham dự phiên toàn thể thứ Nhất, hội nghị ASEP-11 Ảnh: Hồ Long
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng đoàn tham dự phiên toàn thể thứ Nhất, hội nghị ASEP-11
Ảnh: Hồ Long

Phiên toàn thể thứ Nhất, hội nghị ASEP-11 diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia, đồng Chủ tịch ASEP-11 Samdech Heng Samrin; Phó Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia, Chủ tịch Nhóm ASEP quốc gia Kittisangahakbindit Khuon Sudary; Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu Heidi Hautala và Chủ tịch Nghị viện Bangladesh Shirin Sharmin Chaudhury.

Tại phiên toàn thể thứ Nhất, các đại biểu đã thông qua Quy trình tổ chức và thảo luận chủ đề “Tăng cường hợp tác nghị viện vì hòa bình và phát triển bền vững trong và sau đại dịch Covid-19”.

Phát biểu tại phiên toàn thể thứ Nhất, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự hội nghị ASEP-11 khẳng định, Quốc hội Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Quốc hội Campuchia tổ chức Hội nghị ASEP-11 theo hình thức trực tuyến, với sự tham dự đông đảo của đại diện các Nghị viện thành viên, thể hiện quyết tâm trong việc duy trì kết nối giữa hai khu vực Á - Âu trên kênh nghị viện.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên toàn thế thứ Nhất, hội nghị ASEP-11
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên toàn thế thứ Nhất, hội nghị ASEP-11
Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, thế giới hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức, biến động phức tạp, khó lường do các cuộc xung đột kéo dài, nạn khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, mất cân bằng sinh thái, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, đặc biệt đại dịch Covid-19 trong 2 năm 2020 - 2021 đã tạo nên cuộc khủng hoảng đa chiều, tác động nghiêm trọng tới tình hình kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh, an toàn của các quốc gia trên toàn thế giới.

Đối mặt với những thách thức đó, không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự mình giải quyết mà cần có sự hợp tác của tất cả các nước trên thế giới. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, hơn bao giờ hết, Nghị viện với vai trò là cơ quan đại diện cao nhất của người dân, cần tích cực thúc đẩy hợp tác, giúp kết nối, phát huy sức mạnh để ứng phó hiệu quả hơn. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, hợp tác Á - Âu (ASEM) đóng góp 55% thương mại, 65% GDP và 75% du lịch toàn cầu, không chỉ là sự kết nối về kinh tế, mà còn là sự giao thoa về văn hóa, xã hội, chia sẻ mối quan tâm chung và những giá trị cốt lõi về duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và trật tự thế giới dựa trên luật lệ và phát triển bền vững, bao trùm.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khẳng định, là thành viên của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế, Việt Nam luôn coi trọng hợp tác đa phương, hợp tác nghị viện khu vực và liên khu vực trong đó có ASEM, ASEP.

Nhằm thúc đẩy sự đồng hành của ASEP trong việc tăng cường quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình và phát triển bền vững trong và sau đại dịch Covid-19 ở cả hai khu vực và trên toàn cầu, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề xuất Nghị viện các nước Á-Âu tiếp tục duy trì cam kết chính trị mạnh mẽ nhằm thúc đẩy hợp tác đa phương, hợp tác liên nghị viện, tăng cường đối thoại, chia sẻ quan điểm và các giá trị cốt lõi, nâng cao hiểu biết, xây dựng lòng tin trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, đóng góp thiết thực vào các chương trình nghị sự khu vực và toàn cầu.

Tăng cường hợp tác, ủng hộ tiếp cận nguồn vaccine, trang thiết bị y tế thiết yếu phục vụ chẩn đoán, điều trị Covid-19 với chi phí hợp lý, công bằng, bình đẳng và kịp thời; hỗ trợ hợp tác và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thúc đẩy hợp tác nâng cao năng lực y tế cộng đồng.

Thúc đẩy vai trò các cơ chế hợp tác, đối thoại, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm hoạt động nghị viện, hoàn thiện khung khổ pháp lý nhằm kiểm soát dịch Covid-19, thúc đẩy sớm phục hồi kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội; đảm bảo sự cân bằng giữa phục hồi kinh tế, tăng trưởng hợp lý và ổn định xã hội, tạo nền tảng cho tăng trưởng dài hạn và phát triển bền vững.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về cả nội dung và hình thức hoạt động của các cơ chế hợp tác Liên nghị viện trước sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đổi mới sáng tạo.

Thúc đẩy hợp tác nhằm đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định dựa trên luật lệ, bảo vệ thượng tôn pháp luật ở các vùng biển và đại dương, trong đó có duy trì Biển Đông là vùng biển hòa bình và hợp tác, bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không. Từng quốc gia phát huy tinh thần trách nhiệm, tự kiềm chế trong các hoạt động và nhất là tránh các hành động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Cảm ơn sự hợp tác và những phát biểu quan trọng của các đại biểu tại phiên toàn thể thứ Nhất, Phó Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia, Chủ tịch Nhóm ASEP quốc gia Kittisangahakbindit Khuon Sudary nhấn mạnh, các phát biểu phản ánh tầm quan trọng của tăng cường hợp tác Nghị viện vì hòa bình và phát triển bền vững trong và sau đại dịch Covid-19. Đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng nặng nề tới nền tảng xã hội, gây tổn hại tới kinh tế, hoà bình, sự ổn định, đời sống của Nhân dân. Trong bối cảnh sự bất định ngày càng tăng trên thế giới, chúng ta cần thường xuyên duy trì nền tảng, hòa bình, hợp tác hướng đến sự phục hồi bền vững bao trùm, bền vững, tự cường trong và sau đại dịch.

* Tiếp đó, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham dự phiên họp của Ủy ban Soạn thảo, nhằm thảo luận dự thảo Tuyên bố Hội nghị ASEP-11. 

Thanh Chi