“Phố cổ Hà Nội - Dấu tích làng nghề xưa”

- Thứ Sáu, 18/12/2020, 23:40 - Chia sẻ
Chiều 18.12, tại đình Kim Ngân, 42 - 44 phố Hàng Bạc, Hà Nội, đã khai mạc triển lãm tư liệu “Phố cổ Hà Nội - Dấu tích làng nghề xưa”, do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phối hợp với Ban quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức.

Theo thống kê, khu phố cổ Hà Nội hiện có 14 đình thờ tổ nghề, qua thời gian cùng những thăng trầm của lịch sử, các đình thờ tổ nghề - dấu tích làng nghề xưa - cái còn cái mất nhưng phần nào cũng phản ánh được sức sống bền bỉ của những phường nghề, phố nghề ở phố cổ Hà Nội.

Tham quan triển lãm “Phố cổ Hà Nội - Dấu tích làng nghề xưa”

Theo tài liệu lưu trữ, từ thế kỷ thứ XVII - XVIII, với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, Thăng Long - Hà Nội đã trở thành nơi thu hút các hiền tài, kẻ sĩ, thợ giỏi về sinh cơ lập nghiệp. Làng nghề thủ công từ khắp nơi, nhất là các vùng phụ cận, đã xuất hiện ở Thăng Long như Đan Loan với nghề nhuộm vải, Quất Động với nghề thêu ren, Nhị Khê với nghề tiện, Đa Hội với nghề rèn, Định Công với nghề kim hoàn… Lập nghiệp ở Thăng Long, mỗi nghề thủ công tập trung ở một khu vực nhất định và tạo nên những phường hoặc phố nghề.

Đình Kim Ngân thờ ông tổ nghề kim hoàn

Phát biểu tại lễ khai mạc, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I Trần Mai Hương cho biết, quá trình dựng làng, lập phố đã tạo nên nét độc đáo của mảnh đất kinh kỳ với ba mươi sáu phố phường - nơi hội tụ những cửa hiệu buôn bán. Thợ thủ công từ các tỉnh lân cận không chỉ giới thiệu hàng hóa, họ còn mang tới cả kỹ nghệ sản xuất, rồi lập đình thờ vị tổ nghề đã có công sáng lập và mở mang trí thức ngành nghề cho họ. Qua các tư liệu sẽ giúp công chúng hiểu hơn về hành trình từ làng nghề ra phố nghề của thợ thủ công, về tín ngưỡng thờ tổ nghề của họ tại đất Thăng Long xưa.

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 15.1.

Thái Minh