Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại Hòa Bình và TP. Hà Nội

- Thứ Năm, 22/07/2021, 15:06 - Chia sẻ
Ngày 21.7, Phó Thủ tướng, Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Lê Văn Thành đi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai Hòa Bình và thành phố Hà Nội. Cuộc kiểm tra nhằm nắm tình hình, đánh giá công tác chuẩn bị, khả năng sẵn sàng ứng phó trước mùa mưa bão, không để tình trạng “nước đến chân mới nhảy” khi mà thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường.
Phó Thủ tướng làm việc với Công ty Thủy điện Hòa Bình và một bộ, ngành, tỉnh Hòa Bình
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm việc với Công ty Thủy điện Hòa Bình và một bộ, ngành, tỉnh Hòa Bình

Ảnh: VGP 

Thủy điện Hòa Bình là công trình lớn nhất cả nước và quan trọng đặc biệt (dung tích toàn bộ trên 9,8 tỷ m3 nước), có nhiệm vụ phát điện, cấp nước, đặc biệt là phòng, chống lũ cho đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Thủ đô Hà Nội.

Hồ Hoà Bình, cùng với các hồ chứa quy mô rất lớn trên bậc thang Sông Đà như Sơn La, Huổi Quảng, Bản Chát…, đã đóng vai trò rất lớn trong việc thực hiện đồng thời 3 nhiệm vụ gồm: Phát điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội, cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt và điều tiết lũ cho hạ du (Vùng Thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng Bắc Bộ).

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nghe báo cáo về thi công dự án mở rộng nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Ảnh VGP
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nghe báo cáo về thi công dự án mở rộng nhà máy Thủy điện Hòa Bình

Ảnh: VGP 

Từ khi đi vào hoạt động (năm 1988), hồ Hòa Bình đã cắt được 44 trận lũ và có ý nghĩa quan trọng trong bảo đảm an toàn cho hạ du, nhất là trước năm 2011 khi hồ Sơn La chưa đi vào hoạt động. Một số đợt vận hành cắt giảm lũ lớn cho hạ du như trong trận lũ tháng 8.1996, hồ Hòa Bình đã vận hành cắt giảm lũ cho hạ du với lưu lượng đỉnh lũ lúc 16 giờ ngày 18.8.1996, lưu lượng về hồ 22.500 m3/s; lưu lượng xả 8.876 m3/s (mở 5 cửa xả đáy). Hồ đã cắt giảm lũ cho Hà Nội khoảng từ 1,2 đến 1,5 m; nếu không có hồ cắt lũ mực nước Hà Nội có thể đạt +13,5 m (trên báo động 3 là 2 m), uy hiếp nghiêm trọng an toàn đê điều ở hạ du.

Sau khi đi kiểm tra công tác bảo đảm an toàn và vận hành xả lũ của Thủy điện Hòa Bình (kiểm tra tại đỉnh đập và hầm nhà máy), Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có cuộc làm việc với một số bộ, ngành, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nghe báo cáo chung về tình hình và công tác bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước cũng như tình hình nhà máy Thủy điện Hòa Bình, trong đó có dự án mở rộng nhà máy.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao, biểu dương Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, EVN và Công ty Thủy điện Hòa Bình đã phối hợp nhịp nhàng, khoa học và hiệu quả trong vận hành công trình Thủy điện Hòa Bình bảo đảm an toàn, mang lại hiệu quả cao trên cả 3 nhiệm vụ: phát điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt và điều tiết lũ cho hạ du.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải bảo đảm tuyệt đối an toàn hồ đập, thực hiện thật nghiêm các quy định, nghị định của Chính phủ về việc bảo đảm an toàn hồ đập, điều này mang yếu tố sống còn. Nếu không điều hành kịp thời, để xảy ra sự cố thì thiệt hại vô cùng lớn cho các địa phương đồng bằng Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội.

Sau khi kết thúc kiểm tra tại Hòa Bình, Phó Thủ tướng sẽ kiểm tra khu vực Đập Đáy của TP. Hà Nội. Theo đó, Hà Nội là một trong những địa phương có hệ thống đê điều lớn nhất cả nước với trên 750 km đê, trong đó trên 620 km đã được phân cấp trải rộng trên địa bàn của 26/30 quận, huyện. Chiều dài đê của Hà Nội chỉ đứng sau Thanh Hóa (trên 1.000 km đê), nhưng Hà Nội lại có nhiều tuyến đê quy mô lớn, trong đó có tuyến đê cấp đặc biệt bảo vệ cho Thủ đô Hà Nội, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra công trình Đập Đáy, Hà Nội. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra công trình Đập Đáy, Hà Nội

Ảnh: VGP 

Trong nhiều năm qua, hệ thống đê của Hà Nội, trong đó có tuyến đê Sông Hồng không được thử thách qua các trận lũ lớn, do đó tiềm ẩn nguy cơ xuống cấp, hư hại… mà chưa được khảo sát khắc phục, dễ dẫn đến sự cố không lường được trước. Trong khi đó, theo dự báo, thời tiết, khí hậu, thiên tai, mưa lũ diễn biến ngày càng bất thường, cực đoan, phức tạp và khó lường.

Sau khi đi kiểm tra công trình, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành lưu ý, tuyệt đối không được chủ quan, luôn đề cao cảnh giác để thường xuyên kiểm tra, kịp thời tu bổ, gia cố, nâng cấp hệ thống đê điều, nhất là các điểm xung yếu, chuẩn bị tinh thần chủ động, sẵn sàng ứng phó khi lũ lớn xảy ra. Phải kiên quyết thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ an toàn đê điều.

Thảo Anh