Phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

- Thứ Ba, 25/01/2022, 06:47 - Chia sẻ
Theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, tình trạng chậm đóng, trốn đóng, nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp; chiếm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT… vẫn còn tiếp diễn; công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra xử lý vi phạm của ngành chưa đủ mạnh, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Thực tế đó đòi hỏi, cần có sự phối hợp tích cực giữa ngành BHXH với các đơn vị thuộc ngành công an.

Bảo đảm kết nối, chia sẻ thông tin

Theo đại diện BHXH Việt Nam, những năm qua, BHXH Việt Nam đã tích cực phối hợp với các đơn vị thuộc ngành công an, nhất là Tổng cục Cảnh sát và qua hơn 10 năm triển khai quy chế, công tác phối hợp giữa 2 cơ quan đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, ngay khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được công bố triển khai, BHXH Việt Nam là đơn vị đầu tiên được Bộ Công an lựa chọn để thực hiện kết nối, chia sẻ.

“Đến thời điểm hiện tại, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an thực hiện chia sẻ khoảng 33 triệu lượt thông tin công dân có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực. Đây là cơ sở quan trọng để BHXH Việt Nam tiếp tục chuẩn hóa, hoàn thiện, làm giàu thêm thông tin cho cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm” - Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, các đơn vị chức năng của Bộ Công an và BHXH Việt Nam đã phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của hai ngành, đặc biệt là trong công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành; xây dựng, chia sẻ các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; thực hiện chế độ, chính sách về BHXH, BHYT đối với cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân và thân nhân.

Bên cạnh đó, từ năm 2017 đến 2021, các cơ quan, đơn vị của 2 ngành BHXH Việt Nam và Bộ Công an đã phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành với gần 6.000 đơn vị sử dụng lao động, cơ sở khám, chữa bệnh; góp phần chủ động phòng ngừa, phát hiện và kịp thời đấu tranh ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, nhất là đối với hành vi gian lận, trục lợi bảo hiểm… 

“Có thể khẳng định, công tác phối hợp giữa hai ngành đã góp phần hoàn thiện và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, đúng đắn hệ thống quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và bảo đảm môi trường an toàn, lành mạnh, phục vụ hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” - Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc và Tổng Giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh ký kết Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và bảo hiểm xã hội Việt Nam

Phối hợp toàn diện và có chiều sâu

Mặc dù công tác phối hợp đã đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên, do sự thay đổi cơ chế, chính sách quản lý, sự phát triển nhanh của thực tiễn, lãnh đạo BHXH Việt Nam cho rằng, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách, phát sinh trong thực tiễn, đòi hỏi phải nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp giữa 2 cơ quan để cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Mới đây, BHXH Việt Nam và Bộ Công an đã ký kết Quy chế phối hợp về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Điều này sẽ tạo cơ chế, hành lang quan trọng để phối hợp toàn diện, có chiều sâu, thường xuyên, chặt chẽ trên tất các mặt công tác có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của hai ngành.

Nội dung Quy chế gồm 3 Chương, 9 Điều, theo đó, 2 cơ quan sẽ trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến việc bảo đảm an ninh, trật tự theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh mạng và bí mật nhà nước trong các cơ quan, đơn vị thuộc BHXH Việt Nam; phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH và dân cư; bảo đảm an ninh, an toàn các sự kiện quan trọng do BHXH Việt Nam chủ trì tham mưu tổ chức; đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.

Đồng thời, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phối hợp trong công tác cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, tập huấn nghiệp vụ chuyên ngành; tổ chức kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện quy chế. Thực hiện chế độ, chính sách về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, công nhân Công an, người làm việc theo hợp đồng lao động và thân nhân cán bộ, chiến sĩ Công an…

Nội dung Quy chế cũng nêu rõ, Bộ Công an có trách nhiệm điều tra, xử lý cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (trốn đóng, gian lận, trục lợi BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp...); tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; thông báo kết quả điều tra, xử lý cho BHXH Việt Nam biết.

Cùng với đó, phối hợp BHXH Việt Nam triển khai các biện pháp nghiệp vụ, phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; cử cán bộ tham gia các đoàn công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm theo đề nghị của BHXH Việt Nam; hướng dẫn các đơn vị thuộc BHXH Việt Nam về thủ tục, trình tự, hồ sơ, biểu mẫu khi chuyển hồ sơ, tài liệu các vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật…

Nhấn mạnh Quy chế đã quy định đầy đủ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, mục đích, nguyên tắc, nội dung, hình thức, trách nhiệm phối hợp giữa Bộ Công an và BHXH Việt Nam, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đề nghị các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bám sát nội dung Quy chế, chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ với công an các tỉnh, thành phố cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.

Dương Cầm