Phối hợp giải quyết container phế liệu ở các cảng

- Thứ Ba, 24/07/2018, 21:57 - Chia sẻ
Ngày 24.7, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì buổi làm việc với 6 Bộ, ngành liên quan đến hàng nghìn container tồn đọng tại các cảng biển.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, gần 6.000 container phế liệu nhập khẩu đang ùn ứ tại các cảng, tập trung chủ yếu ở Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh. Theo ước tính, tại TP Hồ Chí Minh có 4.480 container, trong đó riêng Cảng Cát Lái là 3.464 container; Hải Phòng có 1.244 container. Khoảng 20% sản phẩm trong gần 6.000 container trên là phế liệu giấy, còn lại là nhựa và phế liệu khác. Ông Thức cho rằng, việc các container phế liệu nhập khẩu tồn đọng đang là mối quan tâm lớn của dư luận, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các cảng, đặc biệt có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Việc giải quyết tình trạng này liên quan đến nhiều bộ, ngành như: Công thương, Tài chính, Giao thông - Vận tải, Công an, Quốc phòng, ông Thức nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, hầu hết đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành nhất trí với những giải pháp của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, thống nhất kiến nghị Thủ tướng xem xét, rà soát, điều chỉnh danh mục 36 mã phế liệu được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Cụ thể, sẽ hạn chế hoặc cấm các loại phế liệu có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường cao; phế liệu mà trong nước đã bảo đảm đủ nguồn cung, phế liệu nằm trong danh mục nhưng thời gian qua không hoặc rất ít được nhập khẩu; nhóm phế liệu nhập khẩu không hoặc khó xác định ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường để giám định chất lượng. Dự kiến nhóm mã phế liệu giấy khác không phân loại, hoặc nhựa khác không phân loại có nguồn gốc từ sinh hoạt, mã xỉ hạt lò cao có thể sẽ hạn chế và tiến tới loại bỏ.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà ghi nhận những ý kiến đóng góp và đề nghị có cơ chế phối hợp liên ngành để giải quyết, vừa hỗ trợ cho những doanh nghiệp có nhu cầu thực sự, vừa xử lý nhanh chóng đảm bảo những yêu cầu về môi trường, bến bãi. “Với những đơn vị được nhập phế liệu phải dựa trên nhu cầu thực trạng sản xuất, thể hiện được năng lực về xử lý môi trường, cơ sở hạ tầng, tài chính, năng lực trách nhiệm. Ngược lại sẽ dứt khoát không cấp phép cho nhập phế liệu, tránh tình trạng phế liệu “vô chủ” như hiện nay tại các cảng biển”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Tin và ảnh: CHÍ TUẤN