Sổ tay

Phòng ngừa sai phạm trong thực thi công vụ

- Thứ Năm, 04/02/2021, 08:56 - Chia sẻ
Để tiếp tục đưa Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước vào cuộc sống, Bộ Tư pháp đề nghị với các bộ, ngành, UBND các cấp phối hợp chặt chẽ trong thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước; tập trung vào các nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, nhất là việc tập huấn nghiệp vụ giải quyết bồi thường đến người thi hành công vụ.

Thời gian qua, công tác bồi thường nhà nước đã được các bộ ngành liên quan, nhất là Tòa án Nhân dân Tối cao; Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và UBND các cấp quan tâm. Nhiều địa phương đã tiếp cận công tác bồi thường nhà nước theo phương châm phòng ngừa là chính, thay vì coi công tác bồi thường nhà nước chỉ là công việc sự vụ, phải thực hiện khi có phát sinh yêu cầu bồi thường. Đặc biệt, không ít địa phương đã có giải pháp để tổ chức thi hành pháp luật về trách nhiệm bồi thường nhà nước phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Bên cạnh những kết quả trên, trong năm 2020, công tác bồi thường nhà nước vẫn còn không ít tồn tại. Trong đó, phải kể đến cơ quan quản lý nhà nước tại một số địa phương vẫn chưa nắm bắt được kịp thời các vụ việc yêu cầu bồi thường trong phạm vi quản lý của mình; đa số cơ quan giải quyết bồi thường chưa thực hiện nghiêm trách nhiệm gửi các văn bản trong quá trình giải quyết bồi thường, xem xét trách nhiệm hoàn trả cho cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước... Đáng quan tâm, ở một số địa phương việc giải quyết bồi thường còn lúng túng, đã xuất hiện tình trạng một số cơ quan giải quyết bồi thường vi phạm quy định về điều kiện thụ lý vụ việc yêu cầu bồi thường…

Từ thực tế này, để bảo đảm hiệu quả thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Bộ Tư pháp đề nghị Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong thực hiện quản lý về công tác bồi thường nhà nước; tập trung vào các nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; đồng thời, theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn nghiệp vụ và kiểm tra liên ngành về công tác bồi thường nhà nước.

Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chỉ đạo các cơ quan thuộc phạm vi quản lý của ngành mình thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, đặc biệt là các quy định về điều kiện thụ lý vụ việc yêu cầu bồi thường; xác định thiệt hại được bồi thường; án phí, lệ phí và các loại phí khác đối với nội dung yêu cầu bồi thường…

Bộ Tư pháp cũng đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp tiếp tục quán triệt nội dung Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước thường xuyên cho đội ngũ công chức nhằm mục tiêu phòng ngừa phát sinh sai phạm trong thi hành công vụ; đồng thời ưu tiên ngân sách cho các hoạt động tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ chuyên sâu về công tác bồi thường nhà nước.

Liên quan đến việc theo dõi, đôn đốc, Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan nhà nước các cấp trong phạm vi địa phương thực hiện nghiêm các quy định về phối hợp thực hiện quản lý nhà nước nhất là quy định về gửi các văn bản trong quá trình giải quyết bồi thường, xem xét trách nhiệm hoàn trả theo quy định của Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Thông tư số 08/2019/TT-BTP quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý về công tác bồi thường nhà nước.

Nguyễn Minh