Phòng vệ thương mại là xu thế tất yếu

- Thứ Ba, 04/01/2022, 09:54 - Chia sẻ
Hiện nay, nhận thức về phòng vệ thương mại đã có những bước tiến rõ rệt. Hầu hết các doanh nghiệp đã coi đây là công cụ tất yếu trong tiến trình hội nhập. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn thách thức khi phải đối diện với các biện pháp phòng vệ.

Thực tế, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại luôn có xu hướng gia tăng. Với các doanh nghiệp nước ta, đến nay đã có gần 210 vụ việc của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu. Đó là các vụ kiện với thép xuất khẩu và một số hàng hoá khác tại các thị trường Mỹ, Canada, Australia, châu Âu, thậm chí, cả với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… Xu hướng này, như nhận định của đại diện một hiệp hội là rất rõ là trong thời gian tới và có thể xảy ra ở bất kỳ quốc gia, thị trường hay mặt hàng nào.

Cụ thể hơn về vấn đề này, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ, từ vụ kiện đầu tiên với ngành cá tra vào năm 2002, các doanh nghiệp rất bỡ ngỡ và có những ý hiểu chưa đúng về chống bán phá giá. Tuy nhiên, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan chức năng đã mang lại kết quả tích cực. Đến thời điểm hiện tại, qua 3 vụ việc phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp bị đơn đều phản hồi tích cực và có kết quả điều tra tốt. Đây là cơ hội để khẳng định với doanh nghiệp nước nhập khẩu rằng nước ta hoàn toàn là nền kinh tế thị trường, cạnh tranh sòng phẳng bằng chất lượng.

Nhìn nhận ở khía cạnh khác, có ý kiến cho rằng, năng lực sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp tăng trưởng nhanh là một trong những lý do khiến các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu gia tăng. Hơn nữa, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên các nước tập trung tăng cường hỗ trợ một số ngành sản xuất trong nước nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng trong các mặt hàng chiến lược, dẫn đến có các biện pháp phòng vệ là không có gì khó hiểu.

Như vậy có thể thấy, cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, việc chủ động sử dụng công cụ phòng vệ thương mại nhằm thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhiều ngành sản xuất trong nước là điều đặc biệt quan trọng. Để làm được điều này, ngoài việc doanh nghiệp phải chủ động nâng cấp hệ thống truy xuất, quản lý; đầu tư nguồn lực, hệ thống quản lý chất lượng; nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường; phát triển các chuỗi giá trị, chủ động nguồn nguyên liệu... rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc truyền thông, thông tin về các biện pháp ứng phó.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần trang bị kiến thức pháp luật về phòng vệ thương mại, chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ; theo dõi thông tin cảnh báo trong quá trình xuất khẩu sang các nước; tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Phòng vệ thương mại là công cụ tất yếu của tiến trình hội nhập cũng như trong quá trình phát triển của mọi ngành, mọi doanh nghiệp khi mở rộng thị trường hoặc cạnh tranh với hàng hoá nhập khẩu. Do đó, điều cần thiết cả trước mắt và lâu dài là phải nhận thức thức rõ, có chiến lược phát triển bền vững và có sự chuẩn bị kỹ càng.

Ninh Khánh