Tên chuyên trang: Khuyến công khu vực miền núi phía Bắc

Phú Thọ: Sản xuất công nghiệp khởi sắc nhờ khuyến công

- Thứ Bảy, 20/11/2021, 06:32 - Chia sẻ
Giá trị sản xuất công nghiệp của Phú Thọ từ 39 nghìn tỷ đồng năm 2014 đã tăng lên 77,1 nghìn tỷ đồng vào năm 2019, tăng trưởng bình quân 14,67%. Giai đoạn 2021 - 2025, chương trình khuyến công tỉnh Phú Thọ đặt mục tiêu thúc đẩy công nghiệp nông thôn tăng trưởng bình quân 15%/năm; tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến sâu, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao...
Sản xuất công nghiệp của Phú Thọ có bước phát triển rõ rệt nhờ khuyến công
Nguồn: ITN

Giải quyết việc làm cho 2.000 lao động 

Qua 6 năm thực hiện chương trình khuyến công (2014 - 2020), sản xuất công nghiệp của tỉnh Phú Thọ có bước phát triển rõ rệt. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2014 là gần 39 nghìn tỷ đồng, đến năm 2019 đạt 77,1 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 14,67%. Năng lực sản xuất công nghiệp phát triển về cả số lượng, quy mô cơ sở sản xuất, trình độ công nghệ, chất lượng sản phẩm cơ bản đáp ứng được nhu cầu thị trường. Các ngành hàng chủ yếu được chú trọng đầu tư và có mức tăng trưởng khá. Các dự án khuyến công đã giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Năm 2019, doanh nghiệp chế biến gỗ Công ty TNHH Dịch vụ tổng hợp Hoa Linh (xã Võ Lao, huyện Thanh Ba) được chương trình khuyến công hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật. Nhờ đó, công ty đã có bước nhảy vọt về sản xuất cũng như doanh thu. Với công suất 25.000m3/năm, dây chuyền sản xuất ván ép mới đem lại doanh thu khoảng 124 tỷ đồng cho doanh nghiệp và tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động với mức thu nhập ổn định.

Chương trình khuyến công cũng quan tâm phát triển làng nghề thông qua hỗ trợ sản xuất chổi chít tại huyện Phù Ninh, Tân Sơn; chế biến gỗ xuất khẩu tại huyện Thanh Ba; chế biến chè đen xuất khẩu tại huyện Yên Lập…

Nổi bật là làng nghề mộc Vân Du (xã Vân Du, huyện Đoan Hùng) nhờ sự đồng hành từ hoạt động khuyến công hiện đã có 70 hộ làm nghề, tạo việc làm cho 500 lao động, doanh thu bình quân đạt trên 250 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt trên 33 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 4,8%. Hiện, làng nghề Vân Du trở thành mũi nhọn về phát triển kinh tế của địa phương, mặt hàng chủ lực là nghề mộc và chế biến lâm sản.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện các đề án khuyến công cũng bộc lộ một số hạn chế. Số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn của Phú Thọ dù khá nhiều nhưng đa số có nguồn tài chính hạn chế nên thường đầu tư cầm chừng, giãn và kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các kế hoạch khuyến công. Dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp nông thôn. 

Tăng trưởng nhanh và xanh

Giai đoạn 2021 - 2025, kinh phí cho hoạt động khuyến công của Phú Thọ là hơn 23,2 tỷ đồng, dự kiến thu hút 500 tỷ đồng vốn đối ứng từ các cơ sở công nghiệp nông thôn.

Phú Thọ hướng tới mục tiêu thúc đẩy công nghiệp nông thôn tăng trưởng bình quân trên 15%/năm; tăng dần tỷ trọng công nghiệp chế biến sâu, có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao của các sản phẩm nông, lâm, hủy sản, chuyển dịch cơ cấu lao động, kinh tế ở khu vực nông thôn. Cụ thể, tiếp tục hỗ trợ cho các đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất công nghiệp nông thôn. Đẩy mạnh các yếu tố xanh, bền vững vào sản xuất giúp cơ sở công nghiệp nông thôn tiến gần hơn các yêu cầu về hội nhập kinh tế…

Trong bối cảnh mới, tỉnh sẽ ưu tiên hỗ trợ các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp nhằm khuyến khích đẩy nhanh đầu tư hạ tầng có mặt bằng cho các doanh nghiệp đầu tư mới và di dời các doanh nghiệp từ trong khu dân cư và cụm công nghiệp để quản lý tập trung. Hỗ trợ và thu hút các dự án đầu tư vào công nghiệp công nghệ, phụ trợ, sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao… vì các dự án này đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia và các dự án kết nối giao thương…

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Phú Thọ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thời gian tới sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư máy móc, thiết bị để góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn và giải quyết việc làm. Ngoài nguồn kinh phí ngân sách hỗ trợ cho hoạt động khuyến công, lồng ghép với các chương trình mục tiêu khác để khuyến khích, thu hút nguồn vốn của các cá nhân, tổ chức xã hội đầu tư. Khuyến khích các huyện xây dựng kế hoạch khuyến công và dần hình thành nguồn kinh phí cấp huyện thực hiện kế hoạch khuyến công tại địa phương…

Ông Hùng đề xuất Bộ Công thương tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống các văn bản, quy định, thể chế để thực hiện chương trình khuyến công quốc gia 2021 - 2025. Đối với Bộ Nội vụ cần ban hành Nghị định quy định về tổ chức bộ máy thực hiện nhiệm vụ khuyến công cấp tỉnh phù hợp với Nghị quyết và tình hình thực tế thống nhất trong cả nước.

Trúc Oanh