Phục vụ người dân - giá trị cơ bản nhất của nền công vụ

- Thứ Tư, 09/10/2019, 08:03 - Chia sẻ
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ, nhằm nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực, qua đó, bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bên cạnh những mục tiêu này, nhiều chuyên gia lưu ý, thực thi công vụ trong thời gian tới cần hướng đến giá trị cơ bản nhất của một nền công vụ - đó là phục vụ người dân.

Phương châm “4 xin, 4 luôn”

Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Hòa Bình Vương Minh Đức cho biết, trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện Đề án đã tạo sự thay đổi tích cực từ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Hòa Bình. Biểu hiện thay đổi rõ nhất là tác phong giao tiếp với tổ chức, cá nhân và tác phong phục vụ người dân khi đến giải quyết thủ tục hành chính. Hiện nay, thủ tục hành chính đều giải quyết đúng và sớm hạn trên 90%, giải quyết quá hạn chưa đến 1% do một số nguyên nhân khách quan. Chi phí người dân phải trả để thực hiện các thủ tục hành chính qua Trung tâm cũng giảm rất nhiều. Với những trường hợp không hợp tác, cán bộ Trung tâm đã sử dụng các kỹ năng “mềm” xử lý, nhanh chóng tạo sự đồng thuận từ người dân.

Sau vụ việc chậm cấp giấy chứng tử ở TP Hà Nội, tưởng như các địa phương khác sẽ nhìn vào đó để khắc phục bất cập, giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng cho người dân, nhưng trên thực tế, theo phản ánh của báo chí, những câu chuyện tương tự vẫn tiếp diễn tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Bình Dương… Đó là tình trạng người dân phải “năm lần, bảy lượt” xin giấy chứng tử cho thân nhân của mình nhưng vẫn bị cán bộ phường từ chối, với nhiều lý do khác nhau. Thậm chí, đến khi người dân hoàn thành đầy đủ thủ tục vẫn chưa được cấp giấy chứng tử, chỉ đến lúc đưa quy định pháp luật ra, lãnh đạo phường mới thừa nhận cán bộ dưới quyền thiếu sót. Vụ việc ở tỉnh Thừa Thiên Huế không nghiêm trọng như tại Hà Nội, Bình Dương nhưng do áp dụng quy định pháp luật quá máy móc nên chậm cấp giấy chứng tử cho nạn nhân bị tai nạn giao thông. Thậm chí, sự chậm trễ này có liên quan đến năng lực của cán bộ tư pháp khi không cập nhật quy định mới, áp dụng quy định cũ, gây phiền phức cho người dân.

Ngoài những ví dụ nêu trên, trong thực tế có nhiều những vụ việc khác mà cán bộ, công chức, viên chức giải quyết thủ tục hành chính cố tình gây khó dễ cho người dân và doanh nghiệp… khi thi hành công vụ. Hay như có tình trạng cán bộ, công chức, viên chức rất thờ ơ, nhăn trán, nhíu mày, trả lời cộc lốc, cụt lủn, tỏ thái độ khó chịu với người dân đến làm thủ tục hành chính. Những hành vi, thái độ ứng xử này của cán bộ, công chức, viên chức đã khiến người dân ngần ngại hoặc bức xúc khi có việc phải tìm đến cơ quan quản lý nhà nước.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên, đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ, cũng như kế hoạch triển khai nhằm nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Theo quy định của Đề án, cán bộ, công chức, viên chức phải sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công; không kén chọn vị trí công tác, không vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”. Trong giao tiếp với người dân, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân; thực hiện “4 xin, 4 luôn” (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ).
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết, các bộ, ngành, địa phương hiện đang tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai Đề án Văn hóa công vụ và kế hoạch triển khai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ Nội vụ cũng đang đôn đốc triển khai cụ thể quyết định này. Với tinh thần quyết liệt thực hiện như hiện nay, Thứ trưởng Triệu Văn Cường tin tưởng, việc triển khai Đề án Văn hóa công vụ sẽ tạo sự thay đổi trong tác phong, lề lối, thái độ của cán bộ, công chức, viên chức khi thực thi công vụ.

“Quên mất” mình là người của Nhà nước

Thời gian gần đây, một vấn đề mới đang đặt ra, khi một số cán bộ, công chức bước chân ra khỏi cơ quan thì dường như đã quên mất mình vẫn được xã hội nhìn nhận với tư cách là người của Nhà nước, từ đó có những hành động thiếu chuẩn mực với cộng đồng, gây bức xúc trong dư luận. Đơn cử như việc một thượng úy công an đã có những hành động, lời nói không đúng mực, gây náo loạn tại sân bay đã tạo dấu ấn không tốt về hình ảnh của lực lượng công an. Hay như, cán bộ, công chức có hành vi không chuẩn mực đối với phụ nữ; vi phạm các quy tắc ứng xử nơi công cộng…

Thứ trưởng Triệu Văn Cường cho rằng, việc một số công chức nghĩ mình không phải thực hiện các quy định trong Đề án Văn hóa công vụ khi hết giờ hành chính như vậy là không đúng. Đề án này đã quy định rõ công chức phải thực thi quy định cả trong và ngoài giờ hành chính. Thứ trưởng Triệu Văn Cường cũng lưu ý, không cần thiết xây dựng thêm quy tắc ứng xử nơi công cộng với cán bộ, công chức, viên chức, thay vào đó hãy chấp hành nghiêm quy định hiện hành.

Dù mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện nghiêm quy định về văn hóa công vụ ở trong và ngoài giờ hành chính, nhưng có lẽ cần chú ý hơn cả vẫn là thực hiện khi tiếp xúc với người dân ở nơi làm việc. Đây cũng là vấn đề được Chính phủ quan tâm thực hiện trong thời gian qua. Thực tế, từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, với mục tiêu xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả. Do vậy, để triển khai hiệu quả Đề án Văn hóa công vụ, PGS.TS Ngô Thành Can, Phó Trưởng Khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, trước hết, cán bộ, công chức, viên chức phải thực thi, tuân thủ đúng quy trình, quy định công vụ. Tất nhiên, để thực thi các quy định, quy trình này có hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải là những người có có kiến thức, kỹ năng, thái độ đúng đắn, đạo đức tốt.

Ở góc nhìn khác, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Hòa Bình Vương Minh Đức cho rằng, năng lực, trình độ của cán bộ, công chức có ảnh hưởng một phần đến việc thực thi văn hóa công vụ chứ không phải là tất cả. Trong thực tế có những trường hợp những người công tác ở các vị trí không đòi hỏi chuyên môn cao nhưng cách hành xử, cách thực hiện nhiệm vụ bảo đảm các tiêu chí văn hóa công sở. Ngược lại, có những người chức vị, học vị cao nhưng lại hành xử thiếu văn hóa. Nói cách khác, ngoài chú ý thực thi tốt công vụ, mỗi cán bộ, công chức phải chú ý văn hóa ứng xử để bảo đảm có đủ cả đức và tài.

Các chuyên gia cũng lưu ý, sự chuyển biến tích cực trong văn hóa công vụ sẽ góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới. Do vậy, thực thi công vụ trong thời gian tới cần hướng vào những giá trị cơ bản của nền công vụ, đó là phục vụ nhân dân. 

Thanh Hải