Phương án tốt cho người lao động?

- Thứ Năm, 15/07/2021, 06:14 - Chia sẻ
Một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm...

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội việc rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội. Đồng thời khắc phục tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, mở rộng diện hưởng lương hưu, qua đó mở rộng lưới an sinh xã hội...

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, khó lường, đề xuất này nhận được nhiều ý kiến tán thành, thậm chí còn coi đây là "phương án tốt" cho người lao động. Vì hiện nay, để được hưởng lương hưu phải có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội 20 năm và đủ tuổi theo quy định của pháp luật lao động vậy nhưng không phải ai cũng có việc làm liên tục, tham gia bảo hiểm xã hội không ngắt quãng mà có thể sẽ có những giai đoạn ngừng nghỉ, thất nghiệp hoặc chuyển đổi công việc khác.

Báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp cũng cho rằng, giải pháp giảm số năm đóng sẽ góp phần thúc đẩy gia tăng số lượng người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu. Thế nhưng nếu thời gian đóng ngắn, mức lương hưu người lao động nhận được sẽ thấp và có thể không bảo đảm mức sống tối thiểu, dẫn đến nguy cơ phải điều chỉnh lương hưu đối với người có lương hưu thấp trong tương lai, tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần đánh giá kỹ các tác động, nhất là tác động về kinh tế, xã hội. Đồng thời, cần làm rõ tỷ lệ lương hưu tương ứng như thế nào với thời gian đã giảm dần, tức giữ nguyên mức hưởng 75% như hiện hành hay giảm xuống mà vẫn bảo đảm được điều kiện sống cho người lao động.

Vậy nhưng cũng có ý kiến cho rằng, dù đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội có thể tạo cơ hội cho những người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội thấp được nhận lương hưu, đồng thời từng bước tiếp cận với phương thức linh hoạt trong chính sách hưu trí nhưng bên cạnh đó, giải pháp này cũng có thể chỉ nhằm xử lý tình huống người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội bởi mục tiêu chính của chính sách bảo hiểm xã hội là phải khuyến khích người lao động đóng tích luỹ nhiều năm để sau này có thể hưởng lương hưu với mức cao hơn.

Bảo hiểm xã hội là một trong những chính sách lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Và một trong những điểm mấu chốt của chính sách này là phải bảo đảm mức sống tương đối cho người già khi về hưu, không còn khả năng lao động. Nhưng theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2020, cả nước có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu nhưng mới chỉ có khoảng trên 3,1 triệu người đang được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng. Tính chung cả những người đang hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, có khoảng gần 5 triệu người được hưởng các khoản trợ cấp hàng tháng - tức vẫn còn khoảng 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu, chiếm 65% chưa thuộc diện bao phủ của hệ thống bảo hiểm xã hội hoặc tầng an sinh xã hội nào khác.

Vậy nên, nếu sửa đổi luật theo hướng rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội, cần tính toán kỹ mức hưởng phù hợp để vừa bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội, vừa vẫn có thể mở rộng diện tham gia. Quan trọng hơn là cần nhìn nhận việc sửa đổi này trong bối cảnh tổng thể, để bảo đảm chính sách bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt và nguyên tắc đóng hưởng công bằng. Về lâu dài, các chính sách về bảo hiểm xã hội cần ổn định và ít thay đổi.

Ninh Hà