“Quá tam ba bận” vẫn không thành

- Thứ Năm, 24/12/2020, 08:36 - Chia sẻ
Sáng qua, 23.12, Chính phủ chia rẽ của Israel đã chính thức sụp đổ, dẫn tới việc nước này phải tổ chức tổng tuyển cử lần thứ 4 trong vòng chưa đầy hai năm, đồng thời đe dọa ý định nắm quyền lâu dài của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Lý do trực tiếp

Theo AP, Thủ tướng Netanyahu, người thường gán cho các đối thủ của mình là phe cánh tả yếu ớt, bất ngờ phải đối mặt với ba cựu trợ lý bất mãn, có chung tư tưởng cứng rắn với mình. Đứng đầu nhóm chống đối là một nhà lập pháp mới ly khai khỏi đảng Likud. Cho dù ông có thể chống lại những nhân vật thách thức trên hay không, Israel gần như chắc chắn sẽ do một chính trị gia cánh hữu lãnh đạo, người phản đối nhượng bộ Palestine, làm phức tạp thêm hy vọng tái khởi động hòa đàm của chính quyền mới của Mỹ.

Triển vọng của khối trung tả Israel dường như tệ hơn so với các cuộc tranh cử trước đó vì lãnh đạo khối này - Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz đã tham gia liên minh với ông Netanyahu. Ông Gantz từng mất đi sự ủng hộ của phần lớn khối vì quyết định đáng thất vọng trên, và từ đó khối này không còn người lãnh đạo.

Ông Netanyahu và ông Gantz thành lập chính phủ liên minh tháng 5.2019 sau khi chiến đấu với bế tắc trong ba cuộc bầu cử liên tiếp. Hai chính trị gia này cho biết, họ phải gạt ganh đua cá nhân sang một bên để thành lập chính phủ “khẩn cấp”, tập trung đưa đất nước vượt qua khủng hoảng y tế và kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra. Theo thỏa thuận luân phiên chiếc ghế thủ tướng giữa nhiệm kỳ, ông Gantz sẽ đảm nhận vị trí của ông Netanyahu vào tháng 11 năm sau.

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc Chính phủ sụp đổ là cả hai đã không tìm được tiếng nói chung để thông qua khoản ngân sách quốc gia nhằm thực thi thỏa thuận vào hạn chót 22.12. Chính phủ sụp đổ buộc Quốc hội phải tự động giải tán và ấn định ngày bầu cử mới vào cuối tháng 3.2021. 

Nguồn: ITN

Nguyên nhân thực sự

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa dẫn đến “thảm cảnh” trên bắt nguồn từ chính mối quan hệ đối tác rắc rối của họ, vốn đã bị cản trở bởi sự đối địch và không tin tưởng lẫn nhau ngay từ đầu. Trong 7  tháng qua, ông Gantz đã phải chịu vô số lần bẽ mặt và không được để ý trong các quyết định quan trọng, chẳng hạn như một loạt thỏa thuận ngoại giao do Mỹ làm trung gian giữa Isael với các nước Ảrập. Ông Netanyahu thậm chí còn cáo buộc đảng Xanh và Trắng của ông Gantz hoạt động như “phe đối lập trong chính phủ”.

Trung tâm của mối quan hệ “rối loạn chức năng” này là phiên tòa xét xử tham nhũng của Thủ tướng Netanyahu. Ông Gantz cáo buộc ông Netanyahu cố tình phá hoại thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa họ nhằm tiếp tục tại vị trong suốt phiên tòa xét xử của mình, vốn sẽ khởi đầu vào tháng 2 tới. Ông cùng nhiều nhà chỉ trích khác tin rằng, ông Netanyahu hy vọng sẽ thành lập một chính phủ mới có khả năng bổ nhiệm những người trung thành vào các vị trí nhạy cảm, giúp ông quyền miễn trừ hoặc bác bỏ mọi cáo buộc chống lại ông.

Tối thứ Ba, đảng Xanh và Trắng lên tiếng: “Một bị cáo hình sự với ba cáo trạng đang kéo đất nước đến vòng bầu cử thứ tư”, “Nếu không có phiên tòa, sẽ có ngân sách và không phải tổ chức bầu cử tiếp”.

Thủ tướng Netanyahu bị buộc tội gian lận, vi phạm tín nhiệm và nhận hối lộ trong một loạt bê bối, trong đó ông bị cáo buộc ưu ái cho một số hãng truyền thông quyền lực để đổi lấy tin tức tích cực về mình và gia đình. Bởi những rắc rối pháp lý và câu hỏi về khả năng cầm quyền của ông là vấn đề trọng tâm trong loạt các cuộc bầu cử gần đây.

Theo ông Yohanan Plesner, Chủ tịch Viện Dân chủ Israel, “cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra sẽ còn tiếp diễn chừng nào ông Netanyahu vẫn còn là Thủ tướng và không có chính phủ nào có thể được thành lập nếu không có ông". Trong ba cuộc bầu cử trước, ông Netanyahu không thể đưa ra liên minh đa số với các đồng minh tôn giáo và dân tộc chủ nghĩa truyền thống của mình. Song ông vẫn kiểm soát đủ số ghế để ngăn đối thủ tập hợp liên minh thay thế.

Nhận định thế trận

Theo các cuộc thăm dò dư luận gần đây, phương trình trên đang thay đổi, với một số đối thủ sẵn sàng kiểm soát đa số Nghị viện mà không có ông. Những đối thủ đó đang được ông Gideon Saar, một nhân vật uy tín trong đảng Likud của Thủ tướng Netanyahu, dẫn dắt. Mới đây, ông Saar tuyên bố sẽ ly khai và thành lập đảng mới. Từng đảm nhiệm vị trí thư ký Nội các trong chính quyền Netanyahu, ông Saar cáo buộc Thủ tướng biến Likud thành “giáo phái cá nhân”, chỉ tập trung bảo đảm sự tồn tại chính trị của nhà lãnh đạo.

Các cuộc thăm dò cho biết, nếu các bầu cử được tổ chức vào hôm nay, đảng của ông Saar sẽ về đích thứ hai sau Likud. Điều này có khả năng trao cho ông quyền phủ quyết đối với chính phủ do Thủ tướng Netanyahu lãnh đạo. Bản thân ông Saar đã thề không phục vụ dưới thời ông Netanyahu nữa.

Ông Naftali Bennett, một cựu trợ lý khác từng bất hòa với Thủ tướngNetanyahu, lãnh đạo một đảng cánh hữu tôn giáo vốn cũng nhận được sự ủng hộ tăng mạnh trong các cuộc thăm dò. Và ông Avigdor Lieberman, cựu Chánh văn phòng của ông Netanyahu và là Bộ trưởng Nội các lâu năm, người hiện lãnh đạo đảng của chính mình, thì phát biểu, Thủ tướng đương nhiệm không thích hợp để lãnh đạo.

Tất cả những cạnh tranh trên đều mang tính cá nhân hơn là ý thức hệ, nghĩa là chính phủ tiếp theo của Israel, dù do ông Netanyahu lãnh đạo hay không, gần như chắc chắn sẽ có tư tưởng cánh hữu phản đối nền độc lập của người Palestine và ủng hộ việc Israel tiếp tục xây dựng khu định cư ở Bờ Tây bị chiếm đóng.

Các cuộc thăm dò chỉ ra rằng, ông Gantz, người nhận được nhiều ủng hộ của cử tri cánh tả trong các cuộc bầu cử trước, thậm chí có thể không nhận được đủ phiếu bầu để vào Knesset (Quốc hội) tiếp theo. Trong khi đó, ông Yair Lapid, lãnh đạo đảng Yesh Atid trung dung, dường như thu hút được một số cử tri, nhưng không đủ để lãnh đạo chính phủ tiếp theo. Công đảng cánh tả, vốn thành lập Israel và lãnh đạo đất nước trong 30 năm đầu tiên, được cho là sẽ không vượt qua ngưỡng có thể thành lập chính phủ, trong khi đảng Meretz cực tả được dự đoán sẽ khó chen chân vào.

Danh sách Ảrập Chung, liên minh các đảng phái của người Ảrập sống ở Israel lại bị cản trở bởi đấu đá nội bộ và không rõ liệu có đảng chính thống nào sẵn sàng chia sẻ quyền lực với họ hay không. Một đảng do người Ảrập lãnh đạo chưa bao giờ là một phần của Chính phủ Israel.

Không còn nhiều lợi thế

Trong bài phát biểu trên truyền hình vào tối thứ Ba, Thủ tướng Netanyahu đổ lỗi đảng Xanh và Trắng về sự đổ vỡ chính trị, đồng thời nói rằng bất kỳ ai thách thức ông cũng sẽ phải dựa vào ông Lapid và “cánh tả” để thành lập chính phủ mà không có ông. “Chúng tôi phản đối việc phải tổ chức bầu cử, đây là quyết định sai lầm của đảng Xanh và Trắng. Nhưng nếu các cuộc bầu cử buộc phải diễn ra, tôi hứa với các bạn là chúng tôi sẽ thắng”, ông nhấn mạnh.

Ngoài các đối thủ cánh hữu, ông Netanyahu sẽ còn có những nhân tố khác chống lại mình. Trong các cuộc bầu cử trước, ông vốn tận dụng liên minh chặt chẽ với Tổng thống Mỹ Donald Trump như một tài sản bầu cử. Lựa chọn đó sẽ không còn nữa sau khi ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20.1. Ông Biden dự kiến sẽ quay trở lại các chính sách của cựu Tổng thống Barack Obama, người từng có mối quan hệ đầy sóng gió với Thủ tướng Netanyahu về cách đối xử của nhà lãnh đạo này với người Palestine.

Ngoài ra, ông Netanyahu cũng phải đối mặt với cử tri về cách xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19. Mặc dù ông vừa ghi được thành tích nổi bật khi đưa Israel trở thành một trong những quốc gia đầu tiên tiêm chủng cho người dân, nhưng vẫn chưa rõ bao nhiêu người sẽ được chủng ngừa vào tháng 3.2021, thời điểm bầu cử. Và với việc Israel đang phải đối mặt với đợt bùng phát dữ dội, nhiều khả năng dẫn đến đợt đóng cửa lần thứ ba, cử tri giận dữ vẫn có thể trừng phạt ông vì những thiệt hại kinh tế do đại dịch gây ra.

Thái Anh