Quan điểm trái chiều

- Chủ Nhật, 06/06/2021, 08:23 - Chia sẻ
Tại cuộc họp của Hội đồng WTO giám sát Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) cuối tháng 5.2021, các bên đã sôi nổi bàn các đề xuất nhằm khởi động các cuộc thảo luận dựa trên văn bản về việc miễn áp dụng bản quyền sáng chế vaccine phòng Covid-19. EU cùng với một số quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục đề nghị có thêm thời gian để phân tích đề xuất. Trong khi đó, các nước Pakistan, Argentina, Bangladesh, Ai Cập, Indonesia và Kenya là những nước ủng hộ khởi động đàm phán.

Quan điểm của Mỹ

Trước sức ép cả trong và ngoài nước, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 5.5 đã tuyên bố ủng hộ miễn trừ bản quyền vaccine phòng Covid-19 trên toàn cầu và sẽ đàm phán các điều khoản liên quan tại WTO.

Ở trong nước, hàng chục nghị sĩ hai viện của Quốc hội, trong đó có các đồng minh thân cận như Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và các nhóm ủng hộ khác đã hối thúc Tổng thống Biden ủng hộ vấn đề này.

Nhiều nước trên thế giới, trong đó có các đồng minh và đối tác ngày càng quan trọng của Washington như Ấn Độ và Nam Phi, ngay từ tháng 10 năm ngoái đã kêu gọi từ bỏ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng Covid-19.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Antony Fauci, Cố vấn Y tế trưởng của Tổng thống Biden cho rằng, việc gỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ không phải là cách tốt nhất để thực sự cải thiện khả năng tiếp cận vaccine. Thay vào đó, các công ty phương Tây nên được khuyến khích tăng cường sản xuất và xuất khẩu số liều vaccine dư thừa, các nước cũng nên tặng số vaccine dư thừa cho những nước đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vaccine.

Nguồn: ITN

Sự phản đối của châu Âu

Châu Âu đến nay vẫn luôn phản đối quan điểm loại bỏ bản quyền vaccine Covid-19 vì nhiều lý do. Thứ nhất, phía EU không tin tưởng ý định của Mỹ và cho rằng tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden mang tính truyền thông hơn là một kế hoạch thực chất. EU nhận định như vậy là do khối này đánh giá, vướng mắc lớn nhất bây giờ đối với vấn đề thiếu hụt vaccine trên toàn cầu, đặc biệt là vaccine cho các quốc gia nghèo không nằm ở việc các hãng dược phẩm nắm giữ bản quyền mà là ở việc tắc nghẽn trong dây chuyền sản xuất cũng như việc một số nước cấm xuất khẩu, cấm cả các thành phần quan trọng cho việc sản xuất.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thậm chí đã chỉ trích đích danh Mỹ và Anh và cho rằng nếu Mỹ thực sự muốn đẩy mạnh việc giúp đỡ các nước khác có được vaccine thì có 3 việc cần làm ngay là: Gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu, chia sẻ công nghệ trong dây chuyền sản xuất và tài trợ các liều vaccine không được sử dụng nhưng đang tồn kho tại Mỹ và Anh. Theo ông Macron, việc loại bỏ bản quyền vaccine chỉ là ưu tiên thứ 4.

Thủ tướng Đức Angela Merkel phản đối vì một lý do khác. Bà Merkel cho rằng, do vấn đề tắc nghẽn hiện nay nằm ở khâu sản xuất nên việc loại bỏ bản quyền vaccine sẽ chỉ mang đến lợi ích cho các cường quốc có năng lực sản xuất vượt trội như Trung Quốc, chứ không mang lại lợi ích gì cho các khu vực nghèo như châu Phi. Ngoài ra, bà Merkel cũng cho rằng trong bối cảnh vaccine đã trở thành một vũ khí địa chính trị trên thế giới, châu Âu cần phải bảo vệ nền tảng sáng tạo và đổi mới của các công ty, trong đó bản quyền là sản phẩm cụ thể nhất.

Mặc dù bà Ursula von der Leyen là lãnh đạo châu Âu đầu tiên lên tiếng hưởng ứng ý tưởng của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhưng trước sự phản đối của nhiều lãnh đạo khác của châu Âu, trong vài ngày qua bà Ursula von der Leyen cũng đã thay đổi quan điểm, trở nên thận trọng hơn. Chủ tịch Ủy ban châu Âu mặc dù vẫn đồng ý là cần thảo luận về ý tưởng này nhưng cũng cho rằng, trong ngắn hạn và trung hạn, việc loại bỏ bản quyền vaccine không tạo nên thay đổi gì lớn.

Bà Ursula von der Leyen nêu ví dụ về việc EU đã sản xuất trên 400 triệu liều vaccine và 50% trong số đó đã xuất khẩu sang 90 nước để qua đó kêu gọi các nước khác hành động tương tự. Hiện nay, luồng ý kiến chủ đạo của các lãnh đạo châu Âu là không phản đối ý tưởng của Tổng thống Mỹ nhưng Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã tuyên bố, châu Âu không cần Mỹ chỉ bảo, khi Mỹ là nước chưa xuất khẩu một liều vaccine nào cho các nước khác trong suốt 6 tháng qua, thậm chí còn tích trữ hàng chục triệu liều vaccine của AstraZeneca mà không hề sử dụng.

Nhìn chung, châu Âu cho rằng ý tưởng của Mỹ là không thực chất, nặng về tô vẽ hình ảnh và chính quyền Mỹ cũng không hề thảo luận trước với phía châu Âu về ý tưởng này. Do đó, mặc dù về lâu dài châu Âu có thể vẫn sẽ ủng hộ việc loại bỏ bản quyền vaccine phòng Covid-19 nhưng để thuyết phục được châu Âu ủng hộ, phía Mỹ cần phải nhanh chóng có các hành động thực chất, cụ thể là gỡ bỏ các lệnh cấm xuất khẩu cũng như nguyên liệu để sản xuất vaccine, đồng thời chia sẻ vaccine cho các nước khác.

Quốc Đạt